Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/407

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
408
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

trai gái, hoặc các nết hay của bậc hiền đức, hoặc các thói xấu của loài tiểu nhân, điều gì có thể tỉnh ngộ nhân tâm, cũng có thể đem ra diễn được. Còn như các câu khôi hài, các lời tán tỉnh, chẳng qua chỉ đệm cho thêm vui mà thôi.

Chủ ý cuộc diễn kịch của ta thì tựa như khí hẹp hơn nghĩa ấy, cho nên chỉ diễn những sự tích trận mạc. Mà lại toàn là những tích hoang đường của Tàu. Tiếc thay từ xưa đến giờ những bậc văn nhân tài tử, chưa có mấy nhà chịu khó tìm kiếm sự tích nước nhà mà diễn ra làm bài tuồng để cho người ta vừa nhớ đến công đức tiền nhân ta và lại để tỉnh ngộ cho ta nữa.

Hai nữa là ta chưa biết trọng nghề diễn kịch, thường cho con hát là kẻ hèn hạ, chớ không biết rằng chính người học thức, có lịch thiệp thế thái nhân tình, thì mới làm nổi được con hát giỏi, mà cũng không mấy người có học thức mà chịu đi làm nghề ấy.

Các nước văn minh, con hát có danh giá, mà những nhà văn sĩ, ai làm được bài tuồng nào hay, cũng nổi tiếng văn chương một thời, ta thì đã đâu được như thế.

Vậy mới biết hát tuồng cũng là một việc hệ trọng. Hiện nay ta cũng đã nhiều người hiểu nghĩa ấy, muốn cải lương cho theo với cách văn minh. Thiết tưởng muốn theo cách văn minh thì chẳng những qui củ rạp hát, cùng là âm nhạc phải chỉnh đốn lại, mà đến những bài tuồng cũng nên sửa sang theo lối mới, mới bỏ những điều hoang đường, bớt những câu nhảm nhí, mà nhất là diễn theo sự tích của ta thì lại càng hay.