Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/389

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
390
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

Trong cách ăn mặc của ta, không kể gì bằng vóc nhiễu hoặc bằng vải bông, cũng không kể gì dầy hay mỏng, đó là tùy nơi hàn nhiệt, tùy người giàu nghèo mà khác nhau, chẳng có hề gì. Song cứ coi cái dáng dấp, trừ ra quen mắt cho là được thì thôi, chớ nói đến sự gọn gàng, sự hoa mỹ thì chưa được. Quần áo cốt cho hợp cách vệ sinh, lại phải cốt cho gọn gàng dễ làm việc. Ta ăn mặc một cách lụng thụng lướt thướt, tuy trong mình thư thái dễ chịu nhưng thực là không tiện cho những việc làm ăn, và lại làm mất cả cái dáng hùng dũng của đàn ông nữa. Đàn bà thì chí cho bằng xinh xang lấy dáng, mà ta thì chỉ đến cái khăn vận cho xinh, cái áo mặc cho gọn, cái đường ngôi rẽ cho thẳng, cái mái tóc chải cho trơn là cùng, chớ không còn cách nào trang sức cho lịch sự hơn nữa.

Thử coi các nước, có nước nào ăn mặc như ta không? Nước nào thì đàn ông cũng áo phải ngắn, quần phải hẹp thì mới gọn, mới ra dáng khỏe mạnh; đàn bà thì quần áo phải hoa mỹ, phải xinh xang, thì coi mới đẹp mắt. Thiết tưởng cũng có một khi nên cải lương cho hợp với trình độ văn minh hoàn cầu.

Còn như nón đội, giầy dép đi, tưởng cũng nên đổi dần kiểu cách khác thì mới tiện, chớ đội nón bẻ, nón Nghệ, lù lù như cái nong trên đầu coi khí ngộ quá đi, đi dép bụi lấm chân, kéo lê một cái thì đứt quai, mà đi không khéo thì vấp ngã, cũng là chưa tiện.

Song trước khi cải lương, tưởng lại có người học được nghề dệt vải thuộc da của Âu-châu thì mới có cơ đổi được.

*

* *