Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/307

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
308
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

vô danh. Đó gọi là giả số lẻ mà cài vào trong ngón tay để sánh với tháng nhuận.

Đếm xong thì lại trả những số đếm rồi để vào chỗ khấc lớn phía tả, rồi cầm lấy một nắm ở phía hữu mà đếm bằng tay tả. Cách đếm cũng như trước, rồi còn số thừa thì cài vào khe ngón tay giữa. Đoạn lại trả số đã đếm rồi để vào khấc lớn phía hữu.

Xong thì hợp cả ba số cài trên tay mà đặt xuống một khấc nhỏ thứ nhất trên mảnh ván.

Đó là một lần đếm. Lần thứ hai dồn những cỏ thi để hai khấc lớn làm một, rồi chia ra đặt hai bên, lại theo cách trước mà đếm. Lần thứ ba cũng làm như vậy. Ba lần đếm như thế rồi hợp cả số đã đếm còn được ba mươi sáu chiếc thì là hào lão dương, gọi là trùng, khuyên một cái vòng tròn làm dấu; còn ba mươi hai chiếc là thiếu âm, gọi là sách, vạch hai nét như hình chữ bát làm dấu, còn hai mươi tám chiếc là thiếu dương gọi là đơn, vạch một chữ nhất làm dấu, còn hai mươi bốn chiếc là lão âm gọi là giao, vạch tréo chữ thập làm dấu.

Ba lần đếm mới thành một hào. Thành một hào rồi thì hợp cả lại mà đếm như trước. Đếm hai mươi tám lần thì được sáu hào, mới thành một quẻ. Thành quẻ rồi thì xem hào nào động biến làm sao, rồi cứ chiếu các lời của Văn-Vương, Châu-Công, Khổng-Tử; hoặc là xét trong quái hoạch của Phục-Hi mà đoán. Bói hay dở chỉ tại người đoán cao đoán thấp mà thôi.

Tục ta cho phép bói dịch rất thiêng liêng, cho nên khi xưa nhà vua có việc gì to tát quan hệ thường sai bói