Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/261

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
262
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

gọi là câu thúc kết, không cần phải đối nhau. Câu này thì kết cái ý đầu bài lại, hoặc khen hoặc chê, tùy ý mình. Đấy là nói qua các cách thức, chớ đến lúc làm thì biến hóa vô cùng không có nhất định được.

Thơ làm điệu trắc cũng được, điệu trắc thì dùng vần trắc, còn thể bằng trắc thì cũng xoay xở đảo lên đảo xuống như thế mà thôi.

Thơ ngâm vịnh chơi, hoặc đề những nơi chùa chiền thắng cảnh thì hoặc dùng cổ thể, hoặc dùng Đường luật tùy ý mình; thơ ứng thí hoặc chúc tụng vua, hoặc tặng người tôn trưởng dùng vào những việc kính trọng thì thường dùng Đường luật, vì dùng luật thì thơ mới nghiêm, chớ dùng cổ thể thì phóng túng thế nào cũng được.

Trong các lối văn chương, duy thơ là khó hơn hết, vì ít chữ mà phải nói cho đủ ý tứ, lời lẽ lại phải thanh tao, phải có điệu, phải có vần, và phải điển nhã gọn lời thì mới là hay.

3.— Phú: Phú hoặc dùng năm, sáu vần, hoặc bảy, tám vần, tùy lúc ra đề bắt lấy vần gì thì phải làm vần ấy và cứ phải theo thứ tự trong vần mà làm, lúc ra đề có phóng vận cho mình hoặc không bắt theo thứ tự, thì mới được tùy ý mình, muốn làm vần gì trước sau cũng được.

Phú tùy mình mỗi câu đặt mấy chữ cũng được, nhưng đại để mỗi vần phải có vài bốn câu bốn chữ, gọi là câu tứ tự, hoặc dùng vần liên châu hoặc đối nhau bằng trắc tùy ý, vài bốn câu mỗi vế sáu, bảy chữ hoặc tám, chín