Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/238

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC XÃ-HỘI
239
 

các nhà bác học thái-tây bây giờ thì cho vào chừng năm 558 hoặc 520; cùng một thời với Đức Khổng-Tử.

Ông Thích Ca cũng đã lấy ba vợ, sinh được một con trai tên là La-Hầu-La. Năm 29 tuổi (đấy theo sách Ấn-Độ, chớ sách Tàu thì nói năm mười chín tuổi) xảy thấy một người già yếu tàn tật, vào ăn xin, mới suy nghĩ ra đời người toàn là cảnh khổ, lập tức đêm ấy bỏ nhà vào rừng đi tu. Trước hết vào tu ở núi Đàn-đặc và núi Toàn-Sơn, sau đến tu ở xứ Xá-Vệ, ngày ngày mặc áo cà sa ngồi dưới gốc cây đề, tĩnh niệm nghĩ cách giải thoát. Được bảy năm, xẩy tỉnh ngộ được đạo huyền diệu, tự xưng là Bồ-đà (bouddha) nghĩa là trong tâm tính đã sáng suốt cả rồi, từ bấy giờ mới đi truyền đạo.

Tục truyền ông ấy về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà mất ở nơi Câu-thi. Lúc gần mất, ông ấy nói rằng: « Nay ta đã lên cõi Niết-Bàn, nghĩa là lên đến chỗ cực lạc thế giới ».

Ngài mất rồi, các học trò soạn nhặt các lời di ngôn, tập lại thành sách, cả thảy bốn mươi hai chương, chia làm ba quyển gọi là kinh Tam-tạng. Tạng nghĩa là chứa, vì các lời ngài chép ra chứa vào một chỗ, cho nên gọi là tạng. Tam Tạng:

1.— Kinh-tạng, là những lời luân thường đạo lý;

2.— Luật tạng, là những lời giới cấm;

3.— Luận tạng, là những lời nghị luận.

Mục đích đạo Phật, chỉ có hai chữ hư vô là kiêm hết. Có câu rằng: « Hết thảy không có cái gì, chỉ vì cái