Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/223

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
224
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

là chút vi thành, nói cho quan thâu nhận mới yên tâm. Việc gì mà nhờ quan làm ơn cho thì khi xong việc phải có cái lễ tạ, tùy việc to nhỏ mà tạ cho đáng ơn.

Vài mươi năm về trước, quan đi đến đâu, lính tráng theo hầu rầm rập. Kẻ khiêng võng, người vác hèo, đứa cắp tráp, đứa xách điếu. Lại có mấy tên lính cắp bao roi, đánh trống tiêu cổ đi trước mở đường. Dân ai gặp, phải ngả nón, phải tránh đường, đương ngồi thì phải đứng dậy. Nhất là quan tỉnh đi đến đâu lại uy vệ hơn nữa, tiền hô hậu hét làm cho kinh động mọi người.

Quan to đi qua dân nào dân ấy cắm cờ che tàn, bày đồ hương án bái hạ, các kỳ dịch bô lão thì phải ra ứng chực bái vọng.

Xã nào có việc gì mà quan về đến thì xã ấy phải phục dịch cung ứng, lý dịch chạy ngược chạy xuôi, mà động lầm lỗi chậm trễ điều gì thì quan sai lính vật cổ đánh liền. Lý dịch có câu tục ngữ rằng: đầu chày mày, đít thớt, nghĩa là đầu phải gật gù lạy luôn như chày giã gạo mà đít thì phải đòn luôn như thớt bằm thịt.

Quan không được phép làm quan tại bản quán, và không được phép lấy vợ ở trong bản hạt, vì sợ có thân thuộc nhà quan ở lẫn với dân trong hạt thì có khi dùng phép không được công minh.

Quan mới đáo nhậm hạt nào, tổng lý hạt ấy phải kiếm lễ vào chào quan, gọi là lễ nghinh, đến lúc đổi đi nơi khác, tổng lý lại có lễ tiễn nữa.