Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/170

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC HƯƠNG-ĐẢNG
171
 

mỗi suất đinh đồng niên phải chịu hai mươi chín ngày công sưu, họp với thuế thân làm một mà nộp bằng tiền. Đến năm Duy-Tân thứ hai (1908) lại có nghị định cho dân đinh chuộc sưu dịch mỗi năm mười ngày, nộp vào tiền thuế mà miễn hết cho các việc tạp dịch, khi nào có công việc thì nhà nước thuê khoán để thay cho dân.

Từ đấy thì các làng đỡ phải bắt phu, nhưng có việc gì cần kíp lắm thì đôi khi cũng phải dùng đến.

*

* *

Tục bắt phu dịch của ta khi xưa cũng nhiều điều phiền nhiễu và lắm thói tệ. Ví như dân huyện này mà phải đi đắp đê đắp đường ở huyện khác, lắm khi dân phu phải mang lương ngủ trọ để làm việc đến hàng tháng mới xong. Đã đành hữu thân hữu khổ là kẻ làm dân, nhưng cũng nên thương cho kẻ bần cùng, ở nhà kiếm ăn còn chưa đủ, huống chi đi làm như thế thì lấy gì mà ăn. Vả lại những dân đinh cường tráng, phần nhiều là lý dịch đã bán non bán già mất cả, đến lúc bắt phu thì chỉ đem những đàn bà con trẻ và mấy đứa yếu đuối, như thế thì làm gì được? Từ khi nhà nước cho dân nộp tiền chuộc việc sưu dịch, dân mới đỡ được sự phiền nhiễu ấy.


XXII.— HƯƠNG HỌC

Ta trước đây không có hương học, nhưng làng nào cũng có dăm ba trường học tư. Các trường học tư là của