Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/16

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC TRONG GIA-TỘC
17
 

Trong Ngũ-phục tùy theo tình thân sơ bên nội bên ngoại mà gia giảm (kể rõ trong các sách gia-lễ).

Anh em trai với Cha gọi là Bác là Chú, chữ gọi là Bá-phụ, Thúc-phụ. Chị em gái với cha gọi là Cô, chữ gọi là Cô Mẫu. Anh em gái với Mẹ gọi là Cậu (Cửu). Chị em gái với mẹ gọi là Dì (Di). Anh em con chú con Bác, gọi là Tùng huynh đệ. Anh em con cô, con cậu hay là đôi con Dì, tổng chi gọi là Biểu huynh-đệ.

Anh em Thúc bá về đàng Cha là họ Nội. Anh em di cửu về đàng mẹ là họ Ngoại.

Tiếng gọi ông Bà... ở về Nam-kỳ có tiếng gọi thế cho khi vắng mặt. Như Ông gọi là Ổng, Bà gọi là Bả, Cậu gọi là Cẩu, Mợ gọi là Mở, Thầy gọi là Thẩy, Cô gọi là Cổ, Anh gọi là Ảnh, Chị gọi là Chỉ. Tiếng ấy có lẽ tiện hơn là gọi Ông ấy Bà ấy, v.v... Nhưng là một tiếng gọi tình sơ, chớ không phải tiếng gọi quí trọng.

Luân-thường.— Trong cùng một họ Nội không được phép lấy nhau. Nếu lấy nhau là Loạn-luân. Luật có phép cấm, mà tục cũng chê cười. Phép nầy từ Ông Châu-Công đời nhà Chu (bên Tàu) đặt ra, mà ra tuân giữ rất nghiêm cẩn. Duy về đời nhà Trần thì trong Tôn thất thường có lấy nhau, không biết khi đó nước ta đã có luật cấm chưa, hay là vì cớ gì. Nhưng tiên nho vẫn chê về điều ấy.

Họ Ngoại thì con cô con cậu hay là đôi con Dì cũng không được phép lấy nhau. Từ đời cháu trở đi thì được phép lấy. Có câu rằng: « Cháu cậu mà lấy cháu cô, thóc lúa đầy bồ, giống má nhà ta ».