Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/130

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC HƯƠNG-ĐẢNG
131
 

cựu nghênh tân. Ba tháng hè, về ngày rằm, ngày mồng một thì mỗi xóm dùng vàng hương, áo mũ giấy, thanh bông hoa quả và nấu cháo cúng các quan chúng sinh.

Công quán là một nơi cho ngưòi ta nghỉ ngơi, và là chỗ hội họp canh gác, thì cũng là một việc tiện lợi. Mà ích lợi nhất lại là những quán ở giữa cánh đồng. Những người làm ruộng, đem thân ra chỗ đồng không mông quạnh, khi mưa khi nắng, không có cầu có quán, thì lấy chỗ nào mà trú ẩn? Đường xa dặm thẳng, khách qua lại một ngày đường không có chỗ nghỉ ngơi, nếu không có quán, thì lấy đâu làm chỗ dừng chân, lấy đâu làm chỗ ăn uống?

Vậy thì người có lòng tốt, chịu xuất tiền ra làm quán, cũng là một việc công ích vậy.


X.— AM CHÚNG SINH

Mỗi làng, đầu làng hoặc cuối làng, có một khu đất rộng để làm chỗ tha ma mộ địa, trong làng có ông già bà cả hoặc người nào mất thì cứ đem tại đó mà chôn.

Mỗi chỗ tha ma mộ địa có lập một cái am năm ba gian, hoặc xây bệ lộ thiên, đề 3 chữ « hàn lâm sở », để thờ chung cả những mồ mả vô chủ, gọi là am chúng sinh. Mỗi cửa am có một bà đồng ở sớm tối đèn hương thờ phụng. Về ba tháng hè thì cứ ngày rằm, ngày mồng một nấu cháo cúng, đổ vào lá đa cuộn tròn lại, cắm hai bên dọc đường gọi là cúng các quan, hoặc gọi là cúng bách linh. Cho nên tục có câu rằng: cướp cháo thí lá đa, là nói những người vô hậu.