Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/125

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
126
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

lễ kỳ-khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt.

Khi thi xong, ai được đỗ thì lúc về phải có lễ ra lễ văn chỉ để tạ ơn tiên-hiền.

*

* *

Thờ tiên-hiền cũng là một cách để duy trì phong hóa, làm kỷ niệm cho sự truyền giáo, thì cũng là một việc hay mà tục chuyên trọng về đường khoa mục thì chỉ là có ý khuyên cho người ta chăm về việc học hành.

Xét nước ta từ đời Lý, Trần trở về, mới có khoa cử, đến đời nhà Lê thì khoa cử lại càng thịnh lắm. Ai làm quan có chân khoa mục mới là thanh-lưu, còn không đỗ gì thì dẫu làm to đến đâu cũng gọi là tạp-lưu. Dân gian vì đó mà lắm nơi cũng chuyên trọng về khoa mục, cho nên nhiều nơi dẫu có người làm đến Thượng-thư, Tổng-đốc, mà về đến văn-chỉ, có khi phải ở dưới hàng Tiến-sĩ, Cử-nhân.

Như vậy thì sự kiến thức của dân ta khí hẹp hòi quá! Thiết tưởng người có tài có đức, văn chương sự nghiệp đủ làm gương cho dân, và lưu được sự ích lợi cho làng, có phải hết thảy do ở khoa cử mà ra cả đâu. Nếu chỉ trọng về khoa cử, chẳng hóa ra bỏ sót nhiều người tài trí lắm ru? Vả lại người trọng khoa cử cũng có người hay, mà cũng chẳng thiếu gì người chẳng ra gì, vậy mà không có phân biệt, cứ thấy có khoa cử thì trọng, cũng là một sự hồ đồ vậy.