Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/119

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
120
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

tục truyền bà ấy nhịn mặc mà ăn cho nên béo. Kế đến tượng Quan-Âm có Kim-đồng, Ngọc-nữ kèm hầu đôi bên, một bên cưỡi con bạch tượng, một bên cưỡi con thanh-sư. Rồi đến tượng Ngọc hoàng, một bên là Nam-tào, một bên là Bắc-đẩu. Ngoài cùng thì là tượng Cửu long bằng đồng có Phật Thích Ca đứng giữa.

Hai bên, ở phía trong, một bên thờ ông Tu Sương gầy khô như hạc, tục gọi là nhịn ăn mà mặc cho nên gầy, một bên thờ bà Thị Kính, tay bế một đứa con, cạnh mình có con vẹt đứng, tục truyền là Thiện Sĩ (chồng bà ấy) hóa thân. Ở phía ngoài thì mỗi bên có năm ông Bụt gọi là thập điện La Hán.

Hai gian cạnh gần gian giữa, một bên thờ tượng Long thần, mặt đỏ mắt sắc gọi là Đức Ông hoặc Đức Chúa, tức là Thổ Thần. Một bên thờ thầy Đường Tăng, có Đại-thánh, Bát-giới đứng hầu.

Hai gian ngoài cùng thờ hai tượng Hộ Pháp, một tượng mặt mũi hiền lành cầm quả ấn, một tượng mặt mũi dữ tợn vác thanh gươm, mỗi tượng cưỡi một con nghê.

Còn đôi bên vách tường thì đắp một động, nào là thiên phủ có quần tiên gẩy đàn thổi sáo vui vầy, nào là địa phủ, có Diêm Vương hành tội những người chết, kẻ thì bị quỉ sứ cưa đầu kìm lưỡi, kẻ thì bị quỉ sứ quẳng vào núi gươm đao, kẻ thì được lên thiên đường hưởng sự sung sướng, kẻ thì bị trầm luân nơi khổ hải phải trải nếm đắng cay...

Ngoài cửa chùa có cửa tam quan làm gác chuông,