(1664) đời vua Huyền-tông, Trịnh Tạc mới định lại qui thức thi Hội.
Còn như thi Hương, thì đến năm mậu-ngọ (1678) mới định các điều-lệ rõ-ràng. Từ đó cứ ba năm một kỳ thi Hương: Thanh-hóa, Nghệ-an, Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc, Hải-dương, Thái-nguyên, Hưng-hóa, Tuyên-quang, Lạng-sơn, Yên-quảng đều có trường thi cả. Nhưng mà sự thi Hương bấy giờ hồ-đồ lắm, không nghiêm như đời Hồng-đức. Như là về đời vua Dụ-tông, niên-hiệu Bảo-thái thì đặt lệ ai đi thi phải nộp tiền minh-kinh 明 經 để lấy tiền làm nhà trường và khoản-đốn quan-trường.
Đến năm canh-ngọ (1750) đời Cảnh-hưng, nhà nước thiếu tiền, lại đặt ra lệ thu tiền thông-kinh 通 經, hễ ai nộp ba quan thì được đi, mà không phải khảo-hạch. Thành ra lúc bấy giờ những người đi làm ruộng, đi buôn, đi bán thịt, ai cũng được nộp quyển vào thi, đến nỗi lúc vào thi, người tranh nhau vào trường xéo-đạp lẫn nhau, có người chết. Vào ở trong trường người thì dùng sách, kẻ đi thuê người làm bài, học-trò với quan-trường thì thông với nhau, thành ra cái chợ thi. Phép thi cử bấy giờ thật là bậy.
14. TRƯỜNG HỌC VÕ. Đời vua Dụ-tông, Trịnh Cương lại mở ra trường học võ, đặt quan giáo-thụ để dạy cho con-cháu các quan vào học võ-kinh chiến-lược, cứ mỗi tháng một lần tiểu tập, ba tháng một lần đại tập. Mùa xuân mùa thu thì tập võ-nghệ, mùa đông mùa hạ thì tập võ-kinh.
Lại đặt ra lệ 3 năm một lần thi võ. Thi thì đại-khái là phải bắn cung, múa giáo, múa gươm, phi ngựa mà bắn cung và chạy bộ mà bắn cung, rồi sau cùng hỏi nghĩa sách để xét học-lực, hỏi phương-lược để xét tài-năng.
Năm canh-thân (1740) Trịnh Doanh lập võ-miếu, chính vị thì thờ Vũ-vương, Khương-thái-công, Tôn Võ-tử, Quản-tử, v.v... Ở đàng sau thì thờ Hưng-đạo đại-vương Trần quốc Tuấn, và lại lập miếu riêng thờ Quan-công. Cứ xuân thu hai kỳ tế-lễ.
15. LÀM QUỐC SỬ. Từ khi ông Vũ Quỳnh 武 瓊 làm sách Đại Việt thông-giám 大 越 通 鑑, mãi đến đời vua Lê