lại. Ở Hiến-ti không xong, thì đến Giám-sát 監 察 xét lại. Ở Giám-sát và Đề-lĩnh không xong, thì đến Ngự-sử-đài 御 史 臺 xét lại.
Những việc nhân-mạng thì hạn cho 4 tháng, việc trộm-cướp điền-thổ thì 3 tháng, việc hôn-nhân ẩu-đả thì 2 tháng, chứ lệ không cho để lâu, làm mất công việc của dân.
6. THUẾ ĐINH, THUẾ ĐIỀN VÀ SƯU-DỊCH. Trước tệ cứ sáu năm làm sổ hộ-tịch một lần, rồi cứ tùy số dân đinh nhiều ít mà đánh thuế, gọi là « quí 季 » đồng niên mỗi tên đinh cứ tùy hạng, hoặc đóng một quan hay là một quan tám tiền, tức là thuế thân. Đến năm kỷ-dậu (1669) đời vua Huyền-tông, quan Tham-tụng là ông Phạm công Trứ 范 公 著 xin đặt ra phép bình lệ 平 例, nghĩa là làm sổ đinh nhất định một lần, rồi làng nào phải đóng bao nhiêu suất đinh, cứ theo như thế mà đóng mãi, chứ có đẻ thêm ra cũng không kể, mà có chết đi cũng không trừ.
Lập phép ấy là để cho dân khỏi phải làm sổ, mà quan cũng khỏi phải tra xét, nhưng phải một điều bất tiện là về sau số đinh hơn kém bao nhiêu, quan không biết được nữa. Đến năm quí-tị (1713) đời vua Dụ-tông, sử chép rằng số dân nội-tịch phải đóng thuế cho nhà vua cả thảy chỉ 206.315 suất mà thôi.
Còn như thuế điền thì năm kỷ-hợi (1719) đời vua Dụ-tông, Trịnh Cương 鄭 棡 sai các quan phủ huyện và quan Thừa-chính, Hiến-sát làm việc đạc điền để mà chia tiền thuế cho các dân-xã cho đều. Lệ bấy giờ cứ đo công điền công thổ mà đánh thuế, gọi là « thuế 税 », chia ra làm ba hạng. Hạng nhất mỗi mẫu đồng niên đóng 1 quan, hạng nhì 8 tiền, hạng ba 6 tiền.
Những sưu-dịch như là việc tế-tự trong đền vua phủ chúa, việc sửa-sang trường thi, việc làm cầu-cống, đắp đường-sá, giữ đê-điều v.v.. thì cứ tùy nghi mà bổ cho các suất đinh để lấy tiền mà cung-ứng cho đủ.
Ấy, các thứ thuế trước đánh là vậy. Đến năm quí-mão (1723) quan Tham-tụng là ông Nguyễn công Hãng 阮 公 沆