phòng-bị. Xem như năm quí-sửu (1613), khi Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi người con thứ 6 là Nguyễn-phúc Nguyên 阮 福 源 vào dặn rằng: « Đất Thuận, Quảng này bên bắc thì có núi Hoành-sơn 橫 山, sông Linh-giang, bên nam thì có núi Hải-vân và núi Bi-sơn thật là một nơi trời để cho người anh-hùng dụng võ. Vậy ta phải thương-yêu nhân-dân, luyện-tập quân-sĩ để mà gây-dựng cơ-nghiệp về muôn đời ». Xem lời ấy thì biết họ Nguyễn đã có ý muốn độc-lập để chống với họ Trịnh.
Khi ở ngoài Bắc, Trịnh Tùng 鄭 松 mất, chúa Sãi là ông Nguyễn-phúc Nguyên bảo các quan rằng: « Ta muốn nhân dịp này mà ra đánh họ Trịnh, nhưng hiềm vì công-việc chưa xong, vậy thì hãy sai người ra phúng-điếu, trước là cho phải cái nghĩa hôn-nhân với nhau, sau là nhân thể xem tình-ý ngoài Bắc ra thế nào ».
Bấy giờ ở miền Nam lại có những người tôi giỏi giúp rập như các ông Nguyễn hữu Dật 阮 有 鎰, ông Đào duy Từ 陶 維 慈 và ông Nguyễn hữu Tiến 阮 有 進 đều là người có tài trí cả.
Nguyễn hữu Dật 阮 有 鎰 là người làng Gia-miêu, huyện Tống-sơn, tỉnh Thanh-hóa, học rộng, tài cao, và lại có tài hùng-biện, đánh giặc giỏi, thật là một bậc văn võ kiêm toàn.
Đào duy Từ 陶 維 慈 là người làng Hoa-trai, huyện Ngọc-sơn, phủ Tĩnh-gia, tỉnh Thanh-hóa. Vì ông là con nhà xướng hát cho nên không được đi thi, ông phẫn trí mới đi vào miền Nam tìm đường lập công, nhưng chưa gặp được người tiến-cử cho, bèn vào ở chăn trâu cho một nhà phú-gia ở làng Tùng-châu 叢 洲 phủ Hoài-nhân (nay là Bình-định). Ông làm bài « Ngọa-long-cương 卧 龍 崗 » để tự ví mình với ông Gia-cát Lượng. Sau có quan Khám-lý là Trần đức Hòa 陳 德 和 biết Duy Từ là người có tài, đem về nuôi, và gả con-gái cho, rồi đưa dâng chúa Sãi. Chúa dùng làm Nội-tán 內 贊, phong làm Lộc-khê-hầu 禄 溪 侯[1].
- ▲ Đào duy Từ giúp chúa Sãi được 8 năm thì mất, thọ 63 tuổi.