Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/350

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

1897-1898 ở vùng Thái-bình, Hải-dương, Bắc-ninh v.v... Vào quãng năm 1907 ở Hà-nội có việc Đông-kinh nghĩa-thục. Lúc ấy có những người chí-sĩ như Phan bội Châu, Phan chu Trinh, người thì không sợ tù-tội, đứng lên tố-cáo sự tham-nhũng của bọn quan-lại, người thì ra ngoại-quốc bôn-ba khắp nơi để tìm cách giải-phóng cho nước. Năm 1908, ở Trung-Việt, vùng Nghệ-Tĩnh và Nam-Nghĩa có việc dân nổi lên kêu sưu. Ở Hà-nội thì có việc đầu-độc lính Pháp, rồi ở Thái-nguyên, Hoàng hoa Thám lại nổi lên đánh phá.

Khi bên Âu-châu có cuộc đại-chiến thì bên ta lại có việc đánh-phá ở Sơn-la và Sầm-nứa và việc vua Duy-tân mưu-sự độc-lập, bị bắt đày sang ở đảo Réunion. Thế là nước Việt-nam bấy giờ có ba ông vua bị đày: vua Hàm-nghi đày sang xứ Algérie, vua Thành-thái và vua Duy-tân đày sang ở đảo Réunion.

Sau cuộc Âu-chiến lần thứ nhất, có toán lính khố xanh nổi lên đánh Thái-nguyên do Đội Cấn, tức Trịnh văn Cấn và ông Lương ngọc Quyến làm đầu. Năm 1927, ở vùng Nghệ-Tĩnh có cuộc phiến-động gây ra bởi đảng Cộng-sản do Nguyễn ái Quốc cầm đầu. Đến năm 1930, ở Bắc Việt có cuộc cách-mệnh của Quốc-dân-đảng, có Nguyễn thái Học điều-khiển ở Yên-bái và các nơi. Năm 1940, ở Nam-Việt có cuộc phiến-động ở vùng Gia-định, Hốc-môn v.v. Từ khi có cuộc đại chiến lần thứ hai, nước Pháp bại trận, bị nước Đức chiếm cứ, quân Nhật-bản ở bên Tàu sang đánh Lạng-sơn rồi ký hiệp-ước với người Pháp cho người Nhật được đóng quân ở Đông-pháp. Đến ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đánh quân Pháp và giao quyền nội-trị lại cho vua Bảo-đại. Được mấy tháng thì quân Đồng-minh thắng trận, Nhật-bản đầu hàng. Đảng Việt-minh[1] dưới quyền lĩnh-đạo của Nguyễn ái Quốc — đổi tên là Hồ chí Minh — thừa cơ nổi lên cướp quyền, vua Bảo-đại phải thoái-vị và nhường quyền cho đảng Việt-minh.

  1. Việt-minh 越 盟 là tên gọi tắt một đảng cách-mệnh gọi là Việt-nam độc-lập đồng-minh 越 南 獨 立 同 盟 do đảng Cộng-sản lập ra khi còn ở bên Quảng-tây, bên Tàu, để tránh hai chữ Cộng-sản cho người ta khỏi ngờ.