thấy là một người trung-nghĩa, có lòng quí-trọng, tha cho về yên nghiệp ở nhà.
Ông Tôn-thất Đạm và ông Lê Trực là người phản-đối với nước Pháp lúc bấy giờ, nhưng các ông ấy vì việc nước mà hết lòng làm việc bổn-phận cho nên người Pháp cũng biết lượng tình mà thương-tiếc. Sau ông Lê Trực về ở làng Thanh-thủy, thuộc huyện Tuyên-hóa, tỉnh Quảng-bình, người Pháp thường vẫn đi lại thăm-nom và có ý kính-trọng lắm. Người bản-quốc thấy vậy, ai cũng lấy làm cảm-phục.
6. VUA THÀNH-THÁI. Ngày 27 tháng chạp năm mậu-tí là ngày 28 tháng giêng năm 1888, vua Đồng-khánh phải bệnh mất, thọ 25 tuổi, làm vua được 3 năm, miếu-hiệu là Cảnh-tông Thuần-hoàng-đế 景 宗 純 皇 帝.
Bấy giờ ông Rheinard lại sang làm Khâm-sứ ở Huế, thấy con vua Đồng-khánh còn nhỏ, và lại nhớ ông Dục-đức ngày trước, khi vua Dực-tông hãy còn, thường hay đi lại với người Pháp, bởi vậy viên Khâm-sứ nghĩ đến tình cũ mà truyền lập ông Bửu Lân là con ông Dục-đức lên làm vua.
Ông Bửu Lân bấy giờ mới lên 10 tuổi, đang cùng với mẹ phải giam ở trong ngục. Triều-đình vào rước ra, tôn lên làm vua, đặt niên-hiệu là Thành-thái, cử ông Nguyễn trọng Hợp 阮 仲 合 và ông Trương quang Đản 張 光 襢 làm Phụ-chính.
7. SỰ ĐÁNH-DẸP Ở BẮC-KỲ. Khi nhà Thanh bên Tàu đã ký hòa-ước với nước Pháp ở Thiên-tân rồi, quân Tàu ở nước ta rút về. Nhưng các cựu-thần như quan Tán-tương quân-vụ là Nguyễn thiện Thuật 阮 善 述 và quan đề-đốc Tạ Hiện 謝 現 còn giữ ở vùng Bãi-sậy thuộc Hải-dương cùng với các thổ-hào như Đốc Tít ở vùng Đông-triều; Đề Kiều ở vùng Hưng-hóa; Cai Kinh, Đốc Ngữ ở vùng Phủ-lạng-thương và Yên-thế; Lương tam Kỳ, dư đảng cờ đen, ở vùng chợ Chui đều nổi lên tương ứng với nhau mà đánh phá. Lúc ấy quan quyền kinh-lược-sứ là ông Nguyễn trọng Hợp 阮 仲 合 cử quan quyền Tổng-đốc Hải-dương là Hoàng cao Khải 黄 高 啟 làm chức Tiễu-phủ-sứ đi đánh-dẹp ở vùng Bãi-sậy.