Chính-Phủ Pháp bèn sai trung-tá Fournier lên Thiên-tân để cùng với Lý hồng Chương nghị hòa. Đến ngày 18 tháng 4, năm giáp-thân (1884) thì lập xong tờ hòa-ước. Đại-lược rằng nước Tàu thuận rút quân đóng ở Bắc-kỳ về, và từ đấy về sau chính-phủ Tàu thuận nhận tờ giao-ước của nước Pháp lập với nước Nam. Nghĩa là nước Tàu để cho nước Pháp được tự-do xếp-đặt mọi việc ở đất Việt-nam.
13. HÒA-ƯỚC PATENÔTRE THÁNG 5 NĂM GIÁP-THÂN (1884). Tờ giao-ước ký xong thì trung-tá Fournier điện cho thống-tướng Millot ở Bắc-kỳ biết sự hòa-ước đã xong, mà quân Tàu ở Bắc-kỳ phải rút về.
Lúc bấy giờ công-sứ nước Pháp ở Bắc-kinh là ông Patenôtre ở bên Pháp sang, đi qua đến Sài-gòn, chính-phủ ở Paris điện sang sai ông ấy ra Huế sửa lại tờ hòa-ước của ông Harmand đã ký ngày 23 tháng 7 năm quí-mùi (1883).
Ông Patenôtre và ông Rheinart ra Huế cùng với Triều-đình thương-nghị mấy ngày, rồi đến ngày 13 tháng 5 năm giáp-thân là ngày mồng 6 tháng sáu năm 1884, ông Pate-nôtre cùng với ông Nguyễn văn Tường 阮 文 祥, ông Phạm thận Duật 范 慎 遹 và ông Tôn-thất Phan 尊 室 藩 ký tờ hòa-ước mới. Cả thảy có 19 khoản, đại-để thì cũng như tờ hòa-ước của ông Harmand, chỉ đổi có mấy khoản nói về tỉnh Bình-thuận và 3 tỉnh ở ngoài đèo Ngang là Hà-tĩnh, Nghệ-an, Thanh-hóa vẫn thuộc về Trung-kỳ.
Tờ hòa-ước ký xong, ông Rheinart ở lại làm Khâm-sứ ở Huế, và ông Patenôtre hội cả các quan, bắt đem cái ấn của Tàu phong cho vua Việt-nam, thụt bễ nấu lên mà hủy đi, nghĩa là từ đó nước Nam thuộc về nước Pháp bảo-hộ, chứ không thần-phục nước Tàu nữa.
Hòa-ước ký năm giáp-thân là năm 1884, là hòa-ước của Triều-đình ở Huế ký với nước Pháp công nhận cuộc bảo-hộ