liền thuận cho chính-phủ trích ra 5 triệu rưỡi phật-lăng để chi-tiêu về việc binh-phí, và lại thuận cho một viên quan văn làm toàn-quyền, sang kinh-lý mọi việc ở Bắc-kỳ.
Chính-phủ Pháp liền điện sang truyền cho lục-quân thiếu-tướng Bouet ở Nam-kỳ ra thống-đốc quân-vụ ở Bắc-kỳ, sai Hải-quân thiếu-tướng Courbet đem một đội chiến-thuyền sang tiếp-ứng và lại cử ông Harmand là sứ-thần Pháp ở Tiêm-la ra làm toàn-quyền.
Ngày mồng 3 tháng 5, thì thiếu-tướng Bouet đem 200 lính tây, 300 lính tập ra đến Hải-phòng. Lập tức thiếu-tướng sửa-sang sự chống giữ ở Hà-nội và ở Nam-định, và lại cho Georges Vlavianos (ông Kiều) là người theo Đồ-phổ-Nghĩa ngày trước, được phép mộ lính cờ vàng đi làm tiền quân.
Quan ta đem quân về đánh quân Pháp ở Hà-nội,ở Hải-phòng và ở Nam-định, nhưng chỗ nào cũng thất bại.
Quân ta bấy giờ không có thống-nhất, ai đứng lên mộ được năm ba trăm người, cho mang gươm mang giáo đi đánh, hễ phải độ vài ba phát đạn trái phá thì xô-đẩy nhau mà chạy; còn quân của nhà vua thì không có luyện-tập, súng đại-bác toàn là súng cổ, súng tay thì ít và xấu. Như thế thì chống làm sao được với quân Pháp là quân đã quen đánh trận và lại có đủ súng-ống tinh-nhuệ?
Bấy giờ cuộc hòa đổi ra cuộc chiến, súy-phủ ở Sài-gòn đuổi quan lĩnh-sự Việt-nam là ông Nguyễn thành Ý 阮 誠 意 về Huế. Trong khi việc nước đang rối cả lên như thế, thì vua Dực-tông mất.
Ngài mất ngày 16 tháng 6 năm quí-mùi (1883), trị-vì được 36 năm, thọ 55 tuổi, miếu-hiệu là Dực-tông Anh-hoàng-đế 翼 宗 英 皇 帝.