Kinh, chứ không mấy khi sứ ta sang đến Yên-kinh. Trong đời vua Dực-tông thì sử chép rằng năm mậu-thìn (1868), có ông Lê Tuấn 黎 俊, ông Nguyễn tư Giản 阮 思 僴 và ông Hoàng Tịnh 黄 並 sang sứ Tàu. Năm quí-dậu (1873), lại có các ông Phan sĩ Thục 潘 仕 俶, ông Hà văn Khai 何 文 開, và ông Nguyễn Tu 阮 修 sang sứ Tàu, để bày-tỏ việc đánh giặc Khách ở Bắc-kỳ.
Từ năm giáp-tuất (1874) trở đi, Triều-đình ở Huế đã ký tờ hòa-ước với nước Pháp, công-nhận nước Nam độc-lập, không thần-phục nước nào nữa, nhưng lúc bấy giờ vì thế bất-đắc-dĩ mà ký tờ hòa-ước, cứ trong bụng vua Dực-tông vẫn không phục, cho nên ngài cứ theo lệ cũ mà triều-cống nước Tàu, có ý mong khi hữu sự, nước Tàu sang giúp mình. Bởi vậy năm bính-tí (1876), vua Dực-tông sai ông Bùi ân Niên 裴 殷 年 tức là ông Bùi Dỵ 裴 異, ông Lâm Hoành 林 宏 và ông Lê Cát 黎 吉 sang sứ nhà Thanh. Năm canh-thìn (1880), lại sai các ông Nguyễn Thuật 阮 述, Trần khánh Tiến 陳 慶 洊, Nguyễn Hoan 阮 歡 sang Yên-kinh dâng biểu xưng thần và các đồ cống-phẩm. Năm sau, Triều-đình nhà Thanh sai Đường đình Canh 唐 廷 庚 sang Huế bàn việc buôn-bán và lập cuộc chiêu thương 招 商 局, chủ-ý là để thông-tin cho chính-phủ Tàu biết mọi việc bên nước ta.
Một bên đã hòa với nước Pháp, nhận theo chính-lược ngoại-giao của nước Pháp mà độc-lập[1], một bên cứ triều-cống nước Tàu, có ý để cầu-viện, bởi thế cho nên chính-phủ Pháp lấy điều đó mà trách Triều-đình ta vậy.
4. TÌNH-THẾ NƯỚC TÀU. Xưa nay ta vẫn công-nhận nước Tàu là thượng-quốc và vẫn phải lệ triều-cống. Hễ khi nào trong nước có việc biến-loạn và vẫn trông-mong nước Tàu sang cứu-viện. Không ngờ từ thế-kỷ thứ XIX trở đi, thế-lực các nước bên Âu-tây mạnh lên, người phương Tây đi lược-địa rất nhiều, mà tình-thế nước Tàu thì rất là suy-nhược. Năm Đạo-quang thứ 19 (1839) tức là năm Minh-mệnh thứ 20 bên ta, vì việc cấm thuốc nha-phiến ở Quảng-
- ▲ Tờ hòa-ước năm giáp-tuất 1874.