Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/299

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Năm sau Tôn-thất Thuyết lại giết được tên giặc Trận ở làng Cổ-loa, và dẹp yên được mạn Sơn-tây. Nhưng đến năm mậu-dần (1878), ở Lạng-sơn lại có tên giặc Khách là Lý dương Tài 李 揚 才, nổi lên.

Lý dương Tài trước làm quan hiệp-trấn ở Tầm-châu, thuộc tỉnh Quảng-tây, sau bị cách mới nổi lên làm giặc và đem quân tràn sang đánh lấy tỉnh Lạng-sơn. Quan ta đem thư sang cho quan Tàu biết. Quan đề-đốc Quảng-tây là Phùng tử Tài 馮 子 材 đem quân 26 doanh sang cùng với quân ta hội tiễu. Đến tháng 9 năm kỷ-mão (1879), quan quân mới bắt được Lý dương Tài ở núi Nghiêm-hậu, thuộc tỉnh Thái-nguyên, đem giải sang Tàu.

Vì đất Bắc-kỳ cứ có giặc-giã luôn cho nên Triều-đình đặt ra chức Tĩnh-biên-sứ 靖 邊 使 để giữ các nơi về đường ngược. Năm canh-thìn (1880), đặt ra Lạng-giang-đạo và Đoan-hùng-đạo sai hai viên Tĩnh-biên phó-sứ là Trương quang Đản 張 光 犢 đóng ở Lạng-giang và Nguyễn hữu Độ 阮 有 度 đóng ở Đoan-hùng, lại phong cho Hoàng kế Viêm 黄 繼 炎 là Tĩnh-biên-sứ, kiêm cả hai đạo.

3. SỰ GIAO-THIỆP VỚI NƯỚC TÀU. Nước ta tự xưa đến nay tuy là độc-lập, nhưng vẫn giữ lệ triều cống nước Tàu, lấy cái nghĩa rằng nước nhỏ phải tôn-kính nước lớn. Cho nên khi chiến-tranh, dẫu ta có đánh được Tàu đi nữa, thì rồi nhà nào lên làm vua cũng phải theo cái lệ ấy, mà đời nào cũng lấy điều đó làm tự-nhiên vì rằng triều-cống cũng không tổn-hại gì mấy, mà nước vẫn độc-lập và lại không hay có việc lôi-thôi với một nước láng-diềng mạnh hơn mình. Bởi vậy hễ vua nào lên ngôi, cũng chiếu lệ sai sứ sang Tàu cầu phong, và cứ ba năm sai sứ sang cống một lần.

Các vua đời nhà Nguyễn cũng theo lệ ấy, nhưng các đời vua trước thì vua phải ra Hà-nội mà tiếp sứ Tàu và thụ phong cho. Đến đời vua Dực-tông thì sứ Tàu vào tại Huế phong vương cho ngài.

Còn những cống-phẩm thì cứ theo lệ, mà thường chỉ đưa sang giao cho quan Tổng-đốc Lưỡng-Quảng để đệ về