phải bão, thuyền đắm mất nhiều. Quan đề-đốc là Lê quang Tiến 黎 光 薦 và quan bộ-phủ Bùi huy Phan 裴 輝 璠 được tin ấy liền đem quân ra đánh, bị quân giặc đánh tập hậu, quan quân bỏ chạy. Lê quang Tiến và ông Bùi huy Phan phải nhảy xuống bể tự tận.
Đến tháng 6 năm giáp-tí (1864) là năm Tự-đức thứ 17, quan hiệp-thống Trương quốc Dụng 張 國 用, quan tán-lý Văn đức Khuê 文 德 圭, quan tán-tương Trần huy Sách 陳 輝 册 và quan chưởng-vệ Hồ Thiện 胡 善 đánh nhau với giặc ở đất Quảng-yên, bị giặc giết cả. Trận ấy quan quân thua to, quân-sĩ thiệt-hại rất nhiều.
Tháng 4 năm ất-sửu (1865), quân giặc đem 300 chiếc thuyền phân ra làm 3 đạo vào cướp ở mạn Hải-dương. Nguyễn tri Phương sai Nguyễn văn Vĩ đem quân ra đón đánh, bắt và chém được rất nhiều. Từ đó quan đề-đốc Mai Thiện 枚 善 quan tán-lý Đặng trần Chuyên 鄧 陳 顓, quan đốc-binh Ông ích Khiêm 翁 益 謙 phá được quân giặc hơn 10 trận. Quân giặc lui về giữ mặt Hải-ninh.
Tháng 7 năm ấy, Nguyễn tri Phương sai Đặng trần Chuyên, Ông ích Khiêm đem binh ra Quảng-yên, ước với quan nhà Thanh ở Khâm-châu để đánh lấy lại thành Hải-ninh. Quân giặc thua to, đem hơn 70 chiếc thuyền chạy ra bể. Quan quân đem binh thuyền ra đuổi đánh, tên Phụng, tên Ước thì chạy vào mạn Quảng-bình, Quảng-trị, còn những đồ-đảng, đứa thì phải bắt, đứa thì chạy trốn được. Sau tên Phụng và tên Ước cũng bị bắt đem về trị tội ở Huế.
Giặc Phụng khởi từ cuối năm tân-dậu (1861) đến cuối năm ất-sửu (1865) mới dẹp xong, kể vừa 4 năm trời, nhà nước tổn-hại rất nhiều. Khi giặc Phụng ở Quảng-yên dẹp gần xong, thì ở mạn Cao-bằng đã có giặc Khách đánh lấy tỉnh-thành. Quan kinh-lược Võ trọng Bình 武 仲 平 và quan tuần-phủ Phạm chi Hương 范 芝 香 đem binh lên Lạng-sơn rồi chia quân đi đánh các nơi, từ tháng 9 năm ất-sửu (1865) cho đến tháng 3 năm bính-dần (1866), thì tướng giặc là