Lại nhân lúc bấy giờ bên Tàu có giặc Thái-bình nổi lên đánh nhà Thanh, đến khi giặc ấy tan thì dư-đảng chạy tràn sang nước ta cướp phá ở mạn thượng-du. Nào giặc khách, nào giặc ta, quan quân cứ phải đi đánh dẹp luôn. Ở trong nước thì thỉnh-thoảng lại có tai-biến, như nước lụt, đê vỡ, v.v. Ở Hưng-yên, đê Văn-giang vỡ 18 năm liền, cả huyện Văn-giang thành ra bãi cát bỏ hoang, dân-gian đói-khổ, nghề-nghiệp không có, cho nên người đi làm giặc càng ngày càng nhiều vậy.
2. GIẶC TAM-ĐƯỜNG. Năm tân hợi (1851) là năm Tự-đức thứ 4, có giặc khách là bọn Quảng nghĩa Đường 廣 義 堂, Lục thắng Đường 六 勝 堂, Đức thắng Đường 德 勝 堂, v.v... tục gọi là giặc Tam-đường 三 堂, quấy-nhiễu ở mặt Thái-nguyên, vua sai ông Nguyễn đăng Giai 阮 登 階 ra kinh-lược Bắc-kỳ. Ông ấy dùng cách khôn-khéo dụ được chúng nó về hàng. Bởi vậy trong hạt lại được yên một độ. Nhưng đến cuối năm giáp-dần (1854) là năm Tự-đức thứ 7, Nguyễn đăng Giai mất, đất Bắc-kỳ lại có loạn.
3. GIẶC CHÂU-CHẤU. Năm Tự-đức thứ 7 (1854), ở tỉnh Sơn-tây có một bọn người đem Lê duy Cự 黎 維 柜 là dòng dõi nhà Lê ra lập lên làm minh-chủ để khởi sự đánh nhà Nguyễn. Lúc ấy có Cao bá Quát 高 伯 适, người làng Phú-thụy, huyện Gia-lâm, Tỉnh Bắc-ninh, thi đỗ cử-nhân, ra làm quan, được bổ chức giáo-thụ phủ Quốc-oai (Sơn-tây). Cao bá Quát có tiếng là người văn-học giỏi ở Bắc-kỳ, mà cứ bị quan trên đè-nén, cho nên bức chí, bỏ quan về đi dạy học, rồi theo bọn ấy xưng là quốc-sư để dấy loạn ở vùng Sơn-tây và Hà-nội. Tháng chạp năm ấy quan phó Lĩnh-binh tỉnh Sơn-tây là Lê Thuận đi đánh bắt được Cao bá Quát đem về chém tại làng.
Nhân vì mùa tháng năm ấy ở vùng tỉnh Bắc-ninh và Sơn-tây có nhiều châu-chấu ra phá hại mất cả mùa-màng, rồi đến cuối năm lại có giặc ấy, cho nên người thời bấy giờ gọi là giặc châu-chấu.
Cao bá Quát chết đi rồi, Lê duy Cự còn quấy-rối đến mấy năm sau mới dẹp yên được. Từ đó trở đi, không năm nào là