Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/268

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

thần vào kinh-lý việc Nam-kỳ. Nguyễn bá Nghi biết thế không chống nổi với quân Pháp, dâng sớ về xin giảng hòa. Nhưng ở trong triều-lúc bấy giờ có bọn Trương đăng Quế 張 登 桂 không chịu, bắt phải tìm kế chống giữ.

Có nhà chép sử trách Nguyễn bá Nghi rằng tuy ông ấy muốn giảng hòa, nhưng không chịu nhường đất, cứ lấy lý mà cãi, chứ không biết rằng thời buổi cạnh-tranh này, hễ cái sức đã không đủ, thì không có cái lý gì là phải cả. Vả chăng quân nước Pháp đã sang đánh lấy mấy tỉnh ở Nam-kỳ, là cốt để làm thuộc-địa, lẽ nào tự-nhiên lại đem trả lại. Bởi vậy sự giảng hòa cứ lôi-thôi mãi không xong. Mà ở trong địa-hạt tỉnh Gia-định và tỉnh Định-tường lúc ấy lại có mấy người như tri-huyện Toại 遂, phó quản-cơ Trương Định 張 定, thiên-hộ Dương 楊 rủ những người nghĩa-dũng nổi lên đánh phá quân Pháp. Quân Pháp cứ đánh-dẹp mãi dân-tình cũng bị lắm điều cực-khổ.

Đến tháng 10 năm tân-dậu (1861), chính-phủ Pháp sai hải-quân thiếu-tướng Bonard sang thay cho trung-tướng Charner về nghỉ.

4. MẤT TỈNH BIÊN-HÒA VÀ TỈNH VĨNH-LONG. Thiếu-tướng Bonard thấy quan quân ta cứ chống giữ mãi, bèn quyết ý đánh lấy tỉnh Biên-hòa và tỉnh Vĩnh-long. Đến tháng 11 năm ấy, thì quân Pháp chia ra làm 3 đạo, cùng tiến lên đánh lấy thành Biên-hòa, rồi lại tiến lên mặt đông-nam đánh lấy đồn Bà-rịa. Qua tháng 3 năm sau là năm nhâm-tuất (1862), thiếu-tướng Bonard lại đem 11 chiếc tàu và hơn 1.000 quân đi đánh Vĩnh-long, Tỉnh-thần ở đấy chống giữ được 2 ngày thì thành phá. Tổng-đốc Trương văn Uyển 張 文 琬 phải đem quân lui về phía tây sông Mê-kong.

5. HÒA-ƯỚC NĂM NHÂM-TUẤT (1862). Lúc bấy giờ ở ngoài Bắc-kỳ có tên Phụng 奉, tên Trường 長, đánh phá ở mặt Quảng-yên và Hải-dương ngặt lắm, lại có Nguyễn văn Thịnh 阮 文 成, tục gọi là cai-tổng Vàng, quấy-nhiễu ở Bắc-ninh, mà trong Nam-kỳ thì lại mất thêm hai tỉnh nữa.