Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/256

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Việc giá-thú là việc quan-hệ về gia-tộc, phải làm đúng lệ thường, nhưng đối với làng, thì tục-lệ bắt người chồng khi cưới vợ, phải trình làng và nộp cho làng một số mấy quan tiền, gọi là nộp tiền cheo. Như thế, thành ra theo tục-lệ, tuy không có sổ khai sinh-tử giá-thú, mà mọi điều cũng đủ như là có vậy.

2. BỐN HẠNG DÂN. Người trong nước chia ra làm bốn hạng là: sĩ, nông, công, thương.

Công: Công là hạng người làm thợ hoặc làm một công-nghệ gì để lấy lợi. Nhưng vì nước ta khi xưa chỉ có những tiểu công-nghệ, như quây tơ, dệt vải, dệt lụa, làm chài-lưới, làm mắm muối v.v., chứ không có đại công-nghệ làm giàu như các nước khác. Đại công-nghệ đã không có thì những người làm thợ, ai chuyên tập nghề gì thì lập thành phường, như thợ mộc, thợ nề, thợ rèn, thợ đúc, thợ gốm v.v... Mỗi phường có thợ cả, thợ phó và thợ, và phường nào có tục-lệ của phường ấy. Những người làm nghề thợ thường là người ít học, quanh năm ngày tháng đi làm thuê làm mướn chỉ được đủ ăn mà thôi.

Thương: Thương là hạng người làm nghề buôn-bán. Song việc buôn-bán của ta ngày xưa kém-cỏi lắm. Người thiên-hạ đi buôn nước này, bán nước nọ, xuất-cảng, nhập cảng, kinh-doanh những công-cuộc to lớn kể hàng ức hàng triệu. Người mình cả đời không đi đến đâu, chỉ quanh-quẩn ở trong nước, buôn-bán những hàng-hóa lặt-vặt, thành ra bao nhiêu mối lợi lớn về tay người ngoài mất. Thỉnh-thoảng có một ít người có mươi lăm chiếc thuyền mành chở hàng từ xứ nọ đến xứ kia, nhưng vốn độ năm bảy vạn quan tiền, thì đã cho là hạng cự-phú.

Công-nghệ như thế, buôn-bán như thế, bảo nước mình phú cường làm sao được? Rút cục lại, chỉ có nghề nông và nghề sĩ là trọng-yếu hơn cả.

Nông: Nông là hạng người chuyên nghề làm ruộng. Dân Việt-nam ta thường thì ai cũng có ít ra là vài ba sào ruộng để cày-cấy, nghĩa là nghề làm ruộng là nghề gốc của người