là đế hay là vương, được giữ cái chủ-quyền cả nước. Cái chủ-quyền ấy người ta còn gọi là cái thần-khí 神 器, nghĩa là một vật thiêng-liêng do trời cho, tức là dân thuận mới được giữ. Nói rằng những người làm những điều gian-ác bạo-ngược mà cướp lấy chủ-quyền thì sao? Đó là sự tiếm-đoạt chứ không phải là chính nghĩa. Ngay những người đã làm đế làm vương mà lạm-dụng chủ-quyền để làm những điều tàn-bạo, thì cũng chỉ là người tàn-tặc mà thôi, chứ không phải là thật bậc đế bậc vương nữa.
Triều-đình: Sở-dĩ đời xưa quần-chúng công-nhận một ông vua giữ cái chủ-quyền cả nước, là muốn cho có mối thống-nhất để khỏi sự tranh-dành và cuộc biến-loạn. Song việc trị nước là việc chung cả nước, cho nên có vua là phải có triều-đình. Triều-đình không phải là một nhóm cận-thần để hầu-hạ và làm việc riêng cho nhà vua, chính là một hội-nghị chung cả nước, do sự kén-chọn những người xứng-đáng bằng cách thi-cử mà đặt ra. Cách thi-cử không phân biệt sang-hèn giàu-nghèo gì cả, miễn là ai có học, có hạnh và có đủ tài-năng thì được ra ứng thí. Người nào đã đỗ rồi và đã ra làm quan là người ấy có chân ở trong triều-đình.
Lệ nhà vua, mỗi tháng phải mấy lần thiết đại-triều, các quan tại kinh đều phải đến đủ mặt và theo phẩm-trật mà đứng để tâu-bày mọi việc. Bởi vì khi có việc gì quan-trọng, thì vua hạ đình-nghị, nghĩa là giao cho đình-thần bàn xét. Các quan bất kỳ lớn bé đều được đem ý-kiến của mình mà trình-bày. Việc gì đã quyết-định, đem dâng lên để vua chuẩn y, rồi mới thi-hành.
Vua tuy có quyền lớn thật, nhưng không được làm điều gì trái phép thường. Khi vua có làm điều gì lầm-lỗi, thì các quan Giám-sát ngự-sử 監 察 御 史 phải tâu-bày mà can-ngăn vua. Trừ những ông vua bạo-ngược không kể, thường là vua phải nghe lời can-ngăn của các quan.
Hễ triều-đình có những người ngay-chính và sáng-suốt, thì việc nước được yên-trị; nếu có những người gian-