Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/245

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

được. Gần tối thuyền ngự mới tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ-dụ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Ngài lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát-kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, đức Từ-dụ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng :

« — Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan-quân cực-khổ thì phải ban-thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị.

« Ngài lạy tạ lui về, nội đêm đó ngài phê thưởng cho các quan-quân đi hầu ngự. Quan thì mỗi người được một đồng tiền bạc, lớn nhỏ tùy theo phẩm, còn lính thì mỗi tên được một quan tiền kẽm. Đến sáng ngài ngự ra điện Long-an lạy kị. Xem cách ngài thờ mẹ như thế, thì tự xưa đến nay ít có.

« Tính ngài siêng-năng, sáng chừng năm giờ, ngài đã ngự tánh, nghĩa là thức dậy, chừng sáu giờ, ngài đã ra triều. Cho nên các quan ở Kinh buổi ấy cũng phải dậy sớm để mà đi chầu. Thường thấy các quan thắp đèn ăn cháo để vào Triều cho sớm.

« Thường ngài ngự triều tại điện Văn-minh, ở bên tả điện Cần-chính. Các quan đến sớm, quan văn thì ngồi chực tại tả-vu, quan võ tại hữu-vu. Khi ngài đã ngự ra, thì thái-giám tuyên triệu các quan vào chầu. Các quan đều mặc áo rộng xanh, đeo thẻ bài đi vào, quan văn bên hữu, quan võ bên tả[1].

« Khi các quan theo thứ-tự đứng yên rồi, quan bộ Lại hay là quan bộ Binh tâu xin cho mấy ông quan mới được thăng thuyên bái mạng. Các quan bái mạng thì phải chực ở ngoài, đợi bộ Lại hay là bộ Binh tâu xong mới được vào.

  1. Khi ngài ngự điện Thái-hòa hay là điện Cần-chính, hay là đi hành lễ điện Phụng-tiên, thì quan văn lại đứng bên tả, quan võ bên hữu, duy ở điện Văn-minh thì quan võ bên tả, quan văn bên hữu, không biết tại làm sao?