Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/231

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

đánh phá. Lại có em Nặc ông Chân là Nặc ông Đôn khởi nghĩa, có người Tiêm-la giúp-đỡ, thành ra quan quân đánh mãi không được. Về sau đến khi vua Thánh-tổ mất rồi, quan quân phải bỏ thành Trấn-tây mà rút về An-giang.

Ấy cũng là vì người mình không biết bênh-vực kẻ hèn-yếu, chỉ đem lòng tham-tàn mà ức-hiếp người ta, cho nên thành ra hao-tổn binh-lương, nhọc-mệt tướng-sĩ, mà lại phải sự bại-hoại, thật là thiệt hại cho nước mình.

11. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI NHỮNG NƯỚC NGOẠI-DƯƠNG. Việc giao-thiệp của nước Nam ta với các nước ngoại-dương mà ngăn-trở là bởi có hai lẽ: một là vì sự cấm giảng đạo Thiên-chúa; hai là vì người nước mình lúc bấy giờ không hiểu thời thế, cứ tự-đắc mình là văn-minh hơn người, không chịu học-tập như người ta mà theo đường tiến-bộ.

Nước ta từ đời thập-thất thế-kỷ, về nhà Hậu-Lê đã có người Âu-la-ba ra vào buôn-bán, hoặc ở Phố-hiến (Hưng-yên), hoặc ở cửa Hội-an (Faifo), đều không có việc gì ngăn-trở cả. Chỉ có sự giảng đạo Thiên-chúa ở trong nước là hay bị sự ngăn-cấm. Ngày trước chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã có dụ nghiêm-cấm. Đến đời Nguyễn Tây-sơn thì trong nước rối loạn, còn phải lo việc chiến-tranh, cho nên không nói đến việc cấm đạo. Về sau, khi vua Thế-tổ nhất-thống cả nam bắc, thì ngài nhớ ơn bên đạo có công giúp rập trong lúc gian-truân, vẫn để các giáo-sĩ được phép đi giảng đạo mọi nơi. Mãi đến đời vua Thánh-tổ thì việc nước đã yên, nhà vua lưu ý về sự giáo-hóa, lấy Nho-đạo làm chính đạo và cho các tôn-giáo khác làm tả đạo, bắt dân-gian phải bỏ tà theo chính. Sự cấm đạo lại khởi đầu phát ra nữa.

Mà cũng vì sự cấm đạo, cho nên sự buôn-bán của những người ngoại-dương ở nước ta, thành ra ngăn-trở. Bởi vì Triều-đình thấy thỉnh-thoảng có chiếc tàu buôn lại, thì có một vài người giáo-sĩ vào giảng-đạo, ngăn-cấm thế nào cũng không được, tưởng là có ý do-thám gì chăng, cho nên lại càng nghi-ngờ lắm.