bộ phải phòng ở Chân-lạp, có lẽ nào bỏ bốn tỉnh An, Hà, Long, Tường không giữ, mà lại giữ ở Phiên-an hay sao? Thế là rõ rằng phòng Triều-đình, chứ không phải phòng ngoại hoạn. Cứ suy điều đó, thì ruột-gan hắn, dẫu người đi đường cũng biết, ai không căm-tức, chỉ giận vì ai không chịu nói rõ cho Triều-đình biết sớm mà thôi. Đến nỗi ngày nay như nuôi cái nhọt bọc để nên đau, mỗi ngày mầm vạ một lớn, cho nên kẻ quyền-yêm dẫu chịu tội minh-tru, mà bọn nhỏ-nhặt còn dám giữ thành làm phản. Ví dù quan cai-trị không hèn-đốn như Nguyễn văn Quế 阮 文 桂, tham-tàn như Bạch xuân Nguyên 白 春 元, thì chúng nó có ngày làm phản chứ không sao khỏi được. Vì bọn tiêu-hạ hắn toàn là quân hung-đồ, quen làm những việc bất-thiện. Chúng nó đã quen thấy hắn dối chúa, lấn trên, đều bắt-chước hắn. Thậm chí hắn nói với người ta rằng hắn vào trấn Gia-định, vốn là phong vương để giữ lấy đất, chứ không phải như các tổng-trấn tầm-thường khác. Mả của cha hắn, em hắn, cũng tiếm gọi là lăng; hoặc dám đối với người ta, tự xưng là Cô, để cho bộ-hạ tập quen thành thói, chỉ biết có Lê văn Duyệt mà không biết đến Triều-đình. Thầy Hữu-tử 有 子 nói rằng: « Không ưa phạm người trên mà ưa làm loạn, chưa có lẽ ấy bao giờ ». Vậy thì ưa phạm người trên và không ưa làm loạn, cũng chưa có lẽ thế bao giờ. Mối vạ gây nên đã lâu, lẽ nào mà muốn cho bọn tiêu-hạ không làm phản được? Vậy nên hắn chết chưa bao lâu, mà bọn Lê văn Khôi đã khởi loạn, cháu hắn cũng đồng tình tạo phản, để cho cả bọn bộ-khúc của hắn đều theo giặc cả, không một tên nào trốn đi, rồi nó kết tử-đảng, cậy có thành cao, hào sâu, lương-thực như núi, khí-giới tinh-nhuệ, đồ-đảng lại nhiều, kháng-cự lại vương-sư, chầy đến 3 năm trời, nhiều lần mở đường sống cho nó, mà chúng nó không biết hối tội đầu thành, đến nỗi binh dân gan-óc lầy đường, nói ra đau-xót đến gốc-nguồn thì tội hắn kể từng cái tóc cũng không xuể. Nay hãy đem những công-việc của hắn làm, rõ-ràng ở tai mắt người ta, để gây nên hoạn-loạn, hiểu-thị cho ai nấy đều biết. Còn như Lê văn Duyệt và con-cháu hắn nên xử tội thế nào, thì giao cho đình-thần nghị xử. »