Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/216

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Quan quân một mặt thì đánh đuổi quân Tiêm, một mặt thì vây đánh thành Phiên-an, Lê văn Khôi hết sức chống giữ, nhưng đến tháng chạp năm ấy thì phải bệnh chết. Tuy vậy, quân ngụy ở trong thành cứ chống-giữ mãi, non ba năm trời quan quân mới hạ được thành.

Thành Phiên-an là thành của ông Lê văn Duyệt xây xong năm Minh-mệnh thứ 11 (1830). Xây toàn bằng đá ong, thành cao và rộng, hào sâu, ở trong thành lại có đủ cả lương-thực khí-giới, cho nên quan quân đánh thành lần nào cũng bị chết hại nhiều người, mà không lấy được. Mãi đến tháng 7 năm ất-tị (1835), quân ngụy ở trong thành đã mỏi-mệt lắm rồi, tướng quân là Nguyễn Xuân 阮 春 và Nguyễn văn Trọng 阮 文 仲 mới hạ được thành và vào bắt giết quân giặc cả thảy đến 1.831 người, đem chôn vào một chỗ, nay gọi là « mả ngụy ». Còn những người thủ-phạm thì đóng cũi đem về Kinh trị tội.

Ông J. Silvestre chép truyện Lê văn Khôi khởi loạn ở Gia-định[1] nói rằng trong 6 người thủ-phạm phải đóng cũi giải về Huế, có một ông linh-mục người nước Pháp tên là Marchand (bấy giờ gọi là cố Du), một người khách tên là Mạch tấn Giai và một đứa con của Khôi, mới lên 7 tuổi.

Việc ông cố Marchand thì đã nhiều người bàn đi bàn lại: người thì bảo ông ấy có ý muốn làm như ông Bá-đa-lộc, để giúp Lê văn Khôi lập nên một nước theo đạo Thiên-chúa ở Gia-định, người thì bảo ông ấy bị Lê văn Khôi bắt vào trong thành. Việc ấy vẫn phân-vân không rõ hẳn ra thế nào.

Đến khi về đến Huế thì ông Marchand và 5 người kia đều phải tội lăng-trì. Thiết-tưởng dẫu thế nào mặc lòng, đem một đứa con vô tội và 2 người ngoại quốc ra làm cái tội thảm hình ấy, thì thật gớm-ghê quá. Tục Á-đông ta trước hay dùng những nhục hình như là tội lăng-trì, tội ngựa xé, tội voi dày v.v. thì thật là dã-man vô cùng, ngày nay ai nghĩ đến cũng phải ghê mình.

  1. Xem tập tạp-chí « Revue Indochinoise » số 7-8 năm 1915 và quyển An-nam sử lược « Abrégé de l'histoire d'Annam » của ông A. Schreiner.