Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/210

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Lào. Đến khi vua Thế-tổ nhất-thống nam bắc, thanh thế lừng-lẫy, nước Chân-lạp lại xin về thần-phục nước Nam, và các nước Ai-lao, Vạn-tượng, đều sang triều cống nhà Nguyễn. Từ đó nước Tiêm-la đối với nước Nam, bề ngoài tuy không ra mặt cừu địch, nhưng bề trong chỉ tìm cách mà sinh sự để cướp lại cái quyền bảo-hộ ở Chân-lạp và ở các nước Lào. Bởi vậy cho nên về phía tây và phía nam bao giờ cũng có giặc Tiêm và giặc Lào quấy-nhiễu mãi.

Hai là ở Bắc-kỳ tuy đã là thống thuộc về nhà Nguyễn rồi, nhưng còn có người mong nhớ nhà Lê, thỉnh-thoảng lại có nơi nổi lên, hoặc muốn khôi-phục cho nhà Lê, hoặc để chống cự với quan nhà Nguyễn, bởi thế cho nên ở đất Bắc cứ phải loạn-lạc luôn.

Ba là quan-lại cứ hay nhũng-nhiễu, làm cho lòng người không được thỏa-thuận, và trong đám quan-trường thường hay có thói bới-móc nhau để tâng công tâng cán. Nhà vua lại có tính hẹp-hòi, không bao-dong cho những kẻ công-thần, hay tìm chuyện làm uất-ức mọi người, mà ở với thần-dân thì nghiêm-khắc quá, cho nên mới thành ra nhiều sự rối-loạn.

Bởi những lẽ ấy, cho nên ở ngoài thì có giặc Tiêm đánh phá, ở trong thì có ngụy Khôi dấy loạn ở phía nam. Lê duy Lương và Nông văn Vân dấy binh ở phía bắc. Lúc bấy giờ cũng nhờ có tôi hiền tướng giỏi như Trương minh Giảng 張 明 講, Tạ quang Cự 謝 光 巨, Lê văn Đức 黎 文 德, Nguyễn công Trứ 阮 公 著 v.v. đều ra công đánh-dẹp, cho nên không những là giặc trong nước dẹp yên được, mà lại thêm được bờ-cõi rộng-rãi hơn cả những đời trước.

2. GIẶC Ở BẮC-KỲ. Sự giặc-giã ở đất Bắc thì từ năm Minh-mệnh thứ hai (1822) trở đi, thỉnh-thoảng ở các trấn vẫn có những giặc cỏ quấy-nhiễu ở các châu huyện. Còn những giặc có thanh-thế to mà quan-quân phải đánh-dẹp khó nhọc, thì có Phan bá Vành 潘 伯 鑅 khởi ở Nam-định, Lê duy Lương 黎 維 良 khởi ở Ninh-bình và Nông văn Vân 農 文 雲 khởi ở Tuyên-quang.