Vua Thế-tổ lo cả đến địa-dư và quốc-sử, bởi vậy ngày sai quan Binh-bộ thượng-thư là Lê quang Định 黎 光 定 kê-cứu ở trong các trấn các doanh, tự Lạng-sơn đến Hà-tiên, xem sơn xuyên hiểm trở, đường-sá xa gần, sông bể, cầu quán, chợ-búa, phong-tục, thổ-sản, có những gì làm thành sách « Nhất-thống địa-dư chí 一 統 地 輿 志 » để dâng lên. Đến năm bính-dần (1806), bộ sách ấy làm xong cả thảy được 10 quyển.
Năm tân-mùi (1811), ngài sai quan tìm những sách dã-sử nói chuyện nhà Lê và nhà Nguyễn Tây-sơn để sửa lại quốc-sử.
Thời bấy giờ văn quốc-âm cũng thịnh lắm. Một đôi khi nhà vua cũng dùng chữ nôm mà làm văn-tế. Bài văn-tế tướng-sĩ khi quan Tiền-quân Nguyễn văn Thành, tổng-trấn Bắc-thành ra chủ tế không rõ ai làm, nhưng thật là một bài văn-chương đại bút. Lại có những truyện như « Hoa Tiên » của ông Nguyễn huy Tự, « Truyện Thúy Kiều » của quan Hữu Tham-tri bộ Lễ là ông Nguyễn Du 阮 攸[1], cũng phát-hiện ra thời bấy giờ.
« Truyện Thúy Kiều » là một tập văn-chương rất hay, diễn được đủ cả nhân-tình thế-cố, tả được cả mọi cảnh trong đời, mà chỗ nào văn-chương cũng tao-nhã, lời lẽ cũng lý-thú. Nói theo tiếng đời nay thì « Truyện Thúy Kiều » thật là một tập văn-chương đại trước-tác của nước ta vậy.
8. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI NƯỚC TÀU. Khi vua Thế-tổ dứt được nhà Nguyễn Tây-sơn và lấy được đất Bắc-hà rồi, sai quan thượng-thư Binh-bộ là Lê quang Định 黎 光 定 làm chánh-sứ sang Tàu cầu phong và xin đổi quốc-hiệu là Nam-việt 南 越, lấy lẽ rằng Nam là An-nam và Việt là Việt-thường. Nhưng vì đất Nam-việt đời nhà Triệu ngày trước gồm cả đất Lưỡng Quảng, cho nên Thanh-triều mới đổi
- ▲ Ông Nguyễn Du người làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân, tỉnh Hà-tĩnh.