cạnh đường quan-lộ, để cho quan-khách đi lại nghỉ-ngơi. Cả thảy 98 trạm.
Còn từ Bình-thuận trở vào phía nam đến Hà-tiên thì đi đường thủy.
Sông-ngòi và đê-điều. Những sông-ngòi và đê-điều, đều là sự khẩn-yếu cho việc canh-nông, bởi vậy vua Thế-tổ truyền cho quan ở các trấn phải xoi đào sông ngòi và các cửa bể, và nhất là ở Bắc-thành phải giữ-gìn đê-điều cho cẩn-thận: chỗ nào không có thì đắp thêm, chỗ nào hư-hỏng thì phải sửa lại. Ở các trấn lại đặt ra kho chứa thóc gạo, để phòng khi mất mùa đói-kém thì lấy mà phát cho dân.
6. PHÁP-LUẬT. Nguyên khi trước vẫn theo luật nhà Lê, nhưng nay nhà Nguyễn đã nhất-thống cả nam bắc, vua Thế-tổ bèn truyền cho đình-thần lập ra pháp-luật rõ-ràng, để cho tiện sự cai-trị. Năm tân-mùi (1811) sai Nguyễn văn Thành 阮 文 誠 làm tổng-tài, coi việc soạn ra sách luật; lấy luật cũ của đời Hồng-đức 洪 德 nhà Lê, mà tham-chước với luật nhà Thanh làm thành một bộ, cả thảy 22 quyển, có 398 điều.
Đến năm ất-hợi (1815), thì in sách luật ấy phát ra mọi nơi. Bộ luật ấy tuy nói theo luật Hồng-đức nhưng kỳ thực là chép luật của nhà Thanh và chỉ thay-đổi ít nhiều mà thôi.
7. VIỆC HỌC-HÀNH. Thời bấy giờ nhờ có võ-công mới dựng nên cơ-nghiệp, cho nên lúc ấy các quan đầu triều là quan ngũ-quân đô-thống, và quan tổng-trấn Nam Bắc hai thành đều là quan võ cả. Nhưng vua Thế-tổ cũng biết rằng sự trị nước cần phải có võ có văn, bởi vậy đêm ngày ngài lưu ý về việc học-hành thi-cử trong nước.
Ngài lập nhà Văn-miếu ở các doanh các trấn, thờ đức Khổng-tử, để tỏ lòng trọng Nho-học. Đặt Quốc-tử-giám ở Kinh-đô, để dạy con các quan và các sĩ-tử. Mở khoa thi Hương để kén lấy những người có học-hành ra làm quan.
Đặt thêm chức đốc-học ở các trấn, và dùng những người có khoa-mục ở đời nhà Lê, để coi việc dạy-dỗ.