Những mỏ đồng, mỏ thiếc, mỏ kẽm, cũng cho người Tàu khai để đánh thuế.
Đúc tiền. Năm Gia-long thứ hai (1803), mở sở đúc tiền ở Bắc-thành, để đúc tiền đồng và tiền kẽm; lại đúc ra nén vàng, nén bạc, lượng vàng, lượng bạc, để cho tiện sự giao-thông buôn-bán trong nước.
Mỗi đồng tiền kẽm nặng 7 phân, một mặt in chữ « Gia-long thông-bảo », một mặt in chữ « thất phân », mỗi quan tiền nặng 2 cân 10 lạng.
Giá vàng ở Bắc-thành thì định cứ một lượng vàng đổi lấy 10 lượng bạc.
Về sau mở thêm lò đúc tiền ở Gia-định thành và ở các trấn.
Thước đo. Vua Thế-tổ chế-tạo ra kiểu thước đồng đo ruộng, một mặt khắc 7 chữ « Gia-long cửu niên thu bát nguyệt », một mặt khắc 10 chữ « ban hành đạc điền xích, công bộ đường kính tạo ». Chuẩn định lại các thước vuông đo ruộng khi trước, chế-tạo ra thước đồng, một mặt khắc 7 chữ « Gia-long cửu niên thu bát nguyệt », một mặt khắc 12 chữ « ban hành đạc điền cựu kinh xích, công bộ đường khâm tạo ».
Phép cân. Năm Gia-long thứ 12 (1813), chế tạo ra cân thiên-bình, cấp cho các doanh các trấn, để cân đồng, sắt, chì, thiếc và các sản-vật. Còn vàng và bạc thì dùng cân trung-bình.
5. CÔNG-VỤ. Vua Thế-tổ lại sửa-sang những đường-sá, xoi đào các sông ngòi, đắp các đê-điều, để cho việc làm ăn của dân-gian được tiện-lợi.
Đường quan-lộ. Đường-sá trong nước là sự khẩn-yếu cho việc chính-trị, vậy nên vua Thế-tổ mới định lệ sai quan ở các doanh, các trấn phải sửa-sang đường quan-lộ: bắt dân sở-tại phải đắp đường làm cầu, lệ cứ 15.000 trượng đường thì phát cho dân 10.000 phương gạo.
Lại từ cửa Nam-quan (thuộc Lạng-sơn) vào đến Bình-thuận, cứ độ 4.000 trượng phải làm một cái nhà trạm ở