trị. Còn 6 ngoại-trấn ở Bắc-thành, thì giao quyền cai-trị cho những thổ-hào sở-tại.
3. BINH-CHẾ. Khi vua Thế-tổ đánh được Tây-sơn rồi, ngài ban thưởng cho các tướng-sĩ, tặng phong và làm đền thờ những người tử trận. Còn những quân-lính già-nua thì cho về quê-quán. Đặt ra phép giản binh: lệ định các trấn, tự Quảng-bình vào đến Bình-thuận thì cứ ba tên đinh kén lấy một tên lính; tự Biên-hòa trở vào thì cứ 5 tên đinh kén lấy một tên lính; tự Hà-tịnh trở ra đến 5 nội-trấn ở Bắc-thành thì cứ 7 tên đinh kén lấy một tên lính. Còn 6 ngoại-trấn là Tuyên-quang, Hưng-hóa, Cao-bằng, Lạng-sơn, Thái-nguyên, Quảng-yên, thì cứ 10 tên đinh kén lấy một tên lính.
Ở chỗ Kinh-thành thì đặt ra thân-binh 親 兵, cấm binh 禁 兵, tinh-binh 精 兵. Lính thân-binh mỗi vệ có 500 người và có 50 người tập quân nhạc. Ở các trấn thì đặt ra lính cơ, lính mộ. Lại đặt biền-binh ban-lệ, nghĩa là các binh lính chia ra làm 3 phiên, 2 phiên về quán, còn một phiên ở tại ban luân-lưu thay đổi cho nhau.
Những binh-khí thì dùng gươm giáo, mã-tấu, và lại có súng lớn bằng đồng gọi là súng đại-bác, súng nhỏ gọi là súng thạch-cơ điểu-thương, nghĩa là bắn thì mổ bằng máy đá lửa. Ở chỗ Kinh-thành lập ra ba sở xạ trường để quân lính tập bắn.
Ở các cửa bể đều làm đồn đặt súng để phòng giữ và để xem-xét những tàu-bè ngoại-quốc đi lại.
Nước Việt-nam ta có nhiều bể cần phải giữ-gìn, bởi vậy vua Thế-tổ lưu tâm về việc chỉnh-đốn binh-thuyền: lấy người ở gần bể về doanh Quảng-đức và doanh Quảng-nam làm 6 vệ thủy-quân đóng tại Kinh-thành. Còn ở các hải-khẩu, mỗi nơi có một cơ lính thủy coi giữ. Nhà vua lại làm một thứ thuyền lớn ngoài bọc đồng, để đi lại tuần phòng ở miền bể.
4. VIỆC TÀI-CHÍNH. Thuế đinh, thuế điền đều định lại cả. Thuế điền thì chia ra làm 3 hạng: nhất-đẳng điền mỗi mẫu đồng niên nộp thóc 20 thăng; nhị-đẳng điền 15 thăng; tam đẳng điền 10 thăng. Còn thứ ruộng mùa đồng niên phải nộp 10 thăng.