Vua Tây-sơn được tin Qui-nhơn thất thủ, liền cử đại binh vào đóng ở Trà-khúc 茶 曲 (thuộc Quảng-nghĩa) để đốc các tướng tiến binh đánh quân nhà Nguyễn. Nhưng vì phải độ trái mùa gió, thủy-chiến không tiện, cho nên các quan đều can xin rút quân về. Vua Cảnh-thịnh bèn sai Nguyễn văn Giáp 阮 文 甲 ở lại giữ Trà-khúc, sai Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng giữ Quảng-nam.
Nguyễn-vương cũng đem quân về Gia-định, để Võ Tính 武 性 và Ngô Tòng Chu 吳 從 周 ở lại giữ thành Bình-định. Năm ấy (1799) ông Bá-đa-lộc 百 多 祿 đi tòng chinh, mất ở cửa Thị-nại. Nguyễn-vương đem về hậu táng ở Gia-định, tặng phong làm Thái-tử thái-phó Bi-nhu quận-công 太 子 太 傅 悲 柔 郡 公.
11. QUÂN TÂY-SƠN VÂY THÀNH BÌNH-ĐỊNH. Khi quân nhà Nguyễn ra vây đánh thành Qui-nhơn, vua Tây-sơn sai Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng đem binh vào cứu, nhưng vì quân của Văn Dũng không đánh mà tan, đến nỗi bại binh. Việc ấy là tội Văn Dũng, nhưng nhờ có Quang Diệu giấu đi, cho nên không ai biết. Văn Dũng cảm ơn ấy, cho nên mới kết nghĩa sinh tử với Quang Diệu.
Bấy giờ ở Phú-xuân có nhiều người ghét Quang Diệu, nhân-dịp ấy mà đổ tội cho Quang Diệu, bèn tâu vua xin sai người đưa mật thư ra cho Vũ văn Dũng để giết Quang Diệu. Vũ văn Dũng tiếp được thư ấy đưa cho Trần quang Diệu xem. Trần quang Diệu sợ-hãi, lập tức đem quân về Phú-xuân, đóng ở mé nam sông Hương-giang, nói rằng về bắt những người loạn thần. Vua Tây-sơn sai người ra giảng hòa. Không ai dám đi, sau phải bắt mấy người nộp cho Quang Diệu. Quang Diệu mới vào chầu. Vua Cảnh-thịnh cũng tìm lời giảng-dụ, khuyên phải hết sức giúp-đỡ nhà nước.
Quang Diệu khóc lạy rồi xin cùng Văn Dũng đem thủy-bộ quân vào lấy lại thành Qui-nhơn.
Đến tháng giêng năm canh-thân (1800), quân của Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng tiến đến gần thành Qui-nhơn. Võ Tính giữ vững, không ra đánh. Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân ra vây bốn mặt. Văn Dũng