rằng sự đem binh sang cứu-viện Nguyễn-vương là việc rất khó mà không có lợi gì.
Pháp-đình thấy sớ của De Conway bá-tước nói như vậy cũng lấy làm nản; vả lại lúc bấy giờ chính-phủ còn đang bối rối về việc trong nước dân cách-mệnh đã rục-rịch cả mọi nơi, cho nên bỏ việc ấy không nói đến nữa.
Ấy cũng vì có De Conway bá-tước, cho nên việc sang cứu-viện Nguyễn-vương không thành, bởi vậy sau ông Faure chép truyện ông Bá-đa-lộc, có tiếc rằng: « Ví bằng lúc bấy giờ chính-phủ nước Pháp mà sẵn lòng giúp ông Bá-đa-lộc, thì có lẽ ông ấy đã lập nên cho nước Pháp thành cuộc bảo-hộ ở An-nam ngay từ cuối đời thập-bát thế-kỷ, khiến cho về sau khỏi phải dùng đến sự chiến-tranh mới xong công-việc ».
Ông Bá-đa-lộc thấy De Conway bá-tước không chịu xuất binh-thuyền, bèn đứng lên đi mộ người, mua tàu và súng-ống khí-giới để đem sang giúp Nguyễn-vương.
Đến tháng 6 năm kỷ-dậu (1789), ông Bá-đa-lộc và hoàng-tử Cảnh đi chiếc tàu chiến Méduse về đến Gia-định. Các tàu buôn chở súng-ống thuốc-đạn cũng lục-tục sang sau.
Bấy giờ những người Pháp tên là Chaigneau (Nguyễn văn Thắng), tức là chúa tàu Long, Vannnier, (Nguyễn văn Chấn), tức là chúa tàu Phụng, De Forçant (Lê Văn Lăng), Victor Ollivier (ông Tín), Dayot v.v. cả thảy đến non 20 người theo ông Bá-đa-lộc sang giúp Nguyễn-vương; vương phong quan-tước cho cả mọi người để luyện-tập quân-sĩ, làm tàu, đúc súng, và chỉnh-đốn mọi việc vũ-bị.
Từ đó, thế-lực của Nguyễn-vương mỗi ngày một mạnh, tướng-tá mỗi ngày một đông, lương-thực nhiều, quân-sĩ giỏi, việc đánh phá Tây-sơn đã chắc lắm rồi.
Tháng tư năm tân-hợi (1791), bà thứ-phi sinh ra hoàng-tử thứ tư lên là Đảm 膽, tức là vua Thánh-tổ, ở làng Tân-lộc, gần Sài-gòn bây giờ. Đến tháng ba năm quí-sửu (1793), thì vương lập hoàng-tử Cảnh làm Đông-cung, phong chức nguyên-súy, lĩnh tả-quân-doanh.