Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/258

(Đổi hướng từ Trang:Viet Nam Su Luoc.djvu/258)
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

có học-lực kha-khá cũng có thể mở trường tư-thục để dạy học. Mỗi làng có vài ba trường tư-thục, hoặc ở nhà thầy, hoặc ở nhà những người hào-phú nuôi thầy cho con học và cho con các nhà lân cận đến học. Người Việt-nam ta vốn chuộng sự học, cho nên người đi học cũng nhiều.

Nguyên sự học ngày xưa có cái mục-đích chân-chính là học cho hiểu đạo-lý, biết phải trái, và luyện-tập tâm-tính cho thành người có tiết-tháo và có phẩm-cách cao-quí, để gặp thời thì ra giúp nước giúp dân, nếu không, thì làm người ngay-chính trong xã-hội. Sau dần dần vì sự sanh-hoạt ở đời, sự học thành ra cái học chuyên về mặt cử-nghiệp, nghĩa là học chỉ cốt lấy đỗ để ra làm quan. Người đi học đã đỗ-đạt rồi, tự tin mình là tài-giỏi, chỉ vụ lấy cái hoa-mỹ bề ngoài để lòe người, chứ không thiết gì đến sự thực-học. Tựu-trung cũng có người muốn thi đỗ để lấy chút danh phận rồi về ở nhà học thêm hay dạy học. Nhưng đại đa số chỉ mong đỗ để làm quan vì làm quan là có địa-vị tôn-quí, ngoài ra không có gì hơn nữa.

Chương-trình sự học cử-nghiệp có những gì? Bao nhiêu công-phu của người đi học chú-trọng vào sự học cho nhớ những sách Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng những lời thể-chú của tiền-nho trong những sách ấy và học thêm mấy bộ sử nước Tàu. Còn sự luyện-tập hàng ngày, thì cốt tập cho thạo-thuộc các lề-lối ở chỗ khoa-trường là: kinh-nghĩa, tứ-lục, thi-phú, văn sách. Ấy là dùng hư-văn mà xét tài thực-dụng, đem sự hoa-mỹ làm mực-thước đo tài kinh-luân. Bởi vậy ai hay kinh-nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thi-phú đã tưởng mình giỏi nghề trị nước. Việc đời thì tối-tăm mờ-mịt mà lại tự-phụ và kiêu-căng, cho thiên-hạ như rơm-rác, coi mình như thần-thánh.

Sự học của mình đã hư-hỏng như thế, những hủ-tục lại ăn sâu vào trí-não, thành ra một thứ cố-tật không sao chữa được. May nhờ cái tinh-thần học cũ, người đi học, kiến-thức tuy không có cái gì mấy, nhưng thường có khí-tiết, biết liêm-sỉ và nhờ có cái thanh-nghị của bọn sĩ-phu ràng-buộc, ngăn-ngừa sự hành-động bất chính. Song chỉ có