Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/235

(Đổi hướng từ Trang:Viet Nam Su Luoc.djvu/235)
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Qua năm sau (1826) chính-phủ Pháp lại sai cháu ông Chaigneau sang làm lĩnh-sự thay cho chú, nhưng sang đến nơi, Triều-đình nước ta không nhận, đến năm kỷ-sửu (1829) lại phải trở về.

Từ đó cho đến 10 năm về sau nước Pháp tuyệt giao với nước Nam ta. Mà lúc bấy giờ chỉ trừ mấy người giáo-sĩ đi giảng đạo ở chỗ thôn-dã ra, thì trong nước cũng không có người ngoại-dương nào ở nữa.

12. SỰ CẤM ĐẠO. Từ khi vua Thánh-tổ lên ngôi, ngài đã có ý không cho người ngoại-quốc vào giảng đạo ở trong nước. Đến năm ất-dậu (1825), khi chiếc tàu Thétis vào cửa Đà-nẵng, có một người giáo-sĩ tên là Rogerot ở lại đi giảng đạo các nơi, vua Thánh-tổ nhân dịp ấy mới có dụ cấm đạo, và truyền cho các quan phải khám-xét các tàu-bè của ngoại quốc ra vào cửa bể. Trong dụ nói rằng: « Đạo phương Tây là tả đạo, làm mê-hoặc lòng người và hủy-hoại phong-tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo ».

Ngài lại sai tìm bao nhiêu những giáo-sĩ ở trong nước đem cả về Huế để dịch những sách Tây ra chữ Việt-nam, chủ-ý là không phải vì việc dịch sách, nhưng là để cho khỏi đi giảng đạo ở chốn hương-thôn.

Lúc bấy giờ không phải là một mình vua Thánh-tổ ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan-lại cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo lại càng nghiệt thêm. Nhưng mà dẫu cấm thế nào mặc lòng, trong nước vẫn có người đi giảng đạo, nhà vua lấy điều đó làm trái phép, lại có dụ ra lần nữa truyền cho dân bên giáo phải bỏ đạo, và ai bắt được giáo-sĩ đem nộp thì được thưởng. Năm ấy ở Huế có một người giáo-sĩ phải xử giảo, và ở các nơi cũng rối loạn vì sự bắt đạo và giết đạo.

Từ đó trở đi, trong Nam ngoài Bắc, chỗ nào cũng có giặc-giã nổi lên, nhà vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc, lại càng cấm nghiệt: từ năm giáp-ngọ (1834) cho đến