Trang:Viet Han van khao.pdf/94

Trang này cần phải được hiệu đính.
— 82 —

Tháng sáu năm Nguyên-phong thứ 7, ngày đinh-sửu, ta tự Tế-an đi thuyền đến Lâm-chữ, vì con trưởng ta là Mại sắp đến làm quan úy ở Đức-hưng, ta tiễn đến cửa hồ, bởi thế mà được xem cái chuông đá. Nhà sư trong chùa đó sai đứa tiểu-đồng cầm cái búa vào đám đá lổn chổn, chọn lấy một vài hòn gõ xem thì quả nhiên có tiếng kêu boong boong, ta cười mà đã hơi tin vậy.

Đến đêm giăng sáng, một mình ta cùng với Mại bơi một chiếc thuyền nhỏ, đến tại dưới sườn núi cao, có tảng đá to đứng nghiêng, cao tới nghìn thước, hình như con thú dữ, con quỉ lạ muốn chồm vồ người; mà những chim két ngủ trên đỉnh núi, nghe có tiếng người, cũng giật mình tỉnh dậy, bay vù vù lên trên mây. Lại văng vẳng như có tiếng ông già, vừa ngáp vừa cười ở trong hang núi, người ta nói là tiếng chim giang chim sếu đó. Ta cũng ghê mình muốn trở về, bỗng nghe có tiếng ở trên mặt nước, phình-phình như tiếng chuông tiếng trống, một hồi lâu chưa thôi, người trong thuyền ai cũng kinh hãi, xét ra thì là hốc đá ở dưới chân núi, không biết nông sâu dường nào, hơi có sóng vỗ vào thì thành ra tiếng phập-phình đó. Thuyền bơi đến trong khoảng hai trái núi, sắp vào cửa lạch, có một tảng đá to nằm giữa dòng, có thể ngồi được trăm người. Tảng đá ấy rỗng ở giữa mà cũng lắm hốc, sóng gió đưa vào, cũng có tiếng ầm ỳ sang-sảng, cùng với tiếng phập-phình trên kia họa theo nhau, như là tiếng nhạc.

Ta cười mà bảo Mại rằng:

— Mày biết đó không? Tiếng phập-phình kia là tiếng chuông vô-dịch của vua Cảnh-Vương nhà Châu đó; tiếng ầm-ỳ sang-sảng là tiếng chuông hát của Ngụy-hiến-Tử đó. Người đời xưa thực là không nói dối ta vậy. Việc gì mắt không trông thấy, tai không nghe tiếng, mà cứ đoán phỏng chừng có nên không?

Vậy Lịch-nguyên nói trên này, cũng đồng ý với ta mà nói không được rõ; sĩ đại-phu không ai chịu bơi thuyền đêm chơi ở dưới tuyệt-bích, cho nên không ai biết; mà những bọn đánh cá thì biết mà không nói ra được, bởi