Trang:Viet Han van khao.pdf/93

Trang này cần phải được hiệu đính.
— 81 —

hơn Kiềm-Lâu, thọ hơn Nhan-Uyên, no hơn Bá-Di, vui hơn Vinh-khải-Kỳ, khỏe hơn Vệ-thúc-Bảo, may lắm may lắm, ta còn cầu gì nữa. Nếu bỏ cái thích của ta thì còn lấy gì mà vui lúc già!

Bèn lại ngâm một bài thơ « vịnh hoài », ngâm xong tủm tỉm cười, rồi nhắc vò rót rượu, uống vài chén cho say tít cù lỳ. Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại ngâm rồi lại uống, uống rồi lại say, say với ngâm cứ lần lượt mà theo nhau. Bởi thế mà coi cuộc đời như giấc mộng, coi phú quí như đám mây bay, mùng giời chiếu đất, chớp mắt trăm năm, lúc nào cũng ly bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến, ngày xưa gọi « toàn về rượu » là thế, cho nên tự hiệu là « Túy ngâm tiên-sinh ». Bấy giờ là năm Khai-thành thứ ba, tiên-sinh 67 tuổi, râu đã bạc, đầu hói một nửa, răng khuyết hai chiếc, mà cái vui trong thơ tửu vẫn chưa suy.

Ngảnh lại bảo vợ con rằng:

Mình ta từ nay về trước sướng rồi, còn cái mình ta từ nay về sau chưa biết vui thế nào nữa.

(Cổ văn)

Văn ký-sự

Ký-sự là văn ghi chép sự thực, hoặc đi chơi, hoặc muốn ghi việc gì thì tả cái thực sự đó, mà nghị-luận thêm đệ tỏ cái ý của mình.

Thủy-kinh nói rằng: « Cửa hồ Bành-lãi có chuông đá ». Lịch-nguyên nói rằng: « Ở dưới đầm sâu, gió phẩy động sóng, nước vỗ vào đá, tiếng như tiếng chuông ». Lời ấy người ta vẫn hồ nghi, vì là đem chuông khánh thực mà bỏ xuống nước, dù sóng gió to cũng không kêu được, huống chi là đá. Đến Lý-Bột nhà Đường tìm tòi dấu cũ, kiếm được hai mảnh đá ở trên đầm, gõ mà nghe, có tiếng trong trẻo, thôi không gõ mà tiếng thừa vẫn còn lanh lảnh, lâu lâu mới dứt, chắc đó là phải chuông đá rồi. Song nhời ấy ta lại càng nghi lắm. Đá lanh lảnh có tiếng ở đâu chẳng vậy, cớ gì ở đây lại gọi là chuông?