Việc thi-cử trọng nhất là văn-sách; vì phải học rộng, phải nhớ sách nhiều và phải có kiến-thức mới làm được. Xem văn-sách có thể biết được người thực-học hay là người hư-văn. Cho nên gọi là lối văn-chương hữu dụng.
Văn-sách thì có lối riêng. Văn làm mới bắt đầu, thi-hương phải có ba chữ « Đối sĩ văn » (thưa, tôi nghe), thi đình phải có 4 chữ « Thần đối thần văn » (thần xin thưa, thần nghe). Đoạn ấy phải nói lao lung cho hết ý toàn đề, rồi phải tiếp một câu « tư thừa sách vấn nhi lược trần chi » (nay vâng nhời sách hỏi mà bày tỏ qua ra sau này). Từ đó trở đi, mới theo thứ tự câu hỏi mà đáp lại. Đầu câu đáp lại phải có 2 chữ « thiết vị » (trộm nghĩ rằng), nghĩa là nói khiêm rằng trộm nghĩ mà thưa, chớ không phải đã giám quyết như thế. Cuối bài lại phải có mấy câu lề lối: « Sĩ giả, hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn tràng, quán kiên như tư, vị chi khả phủ, nguyện chấp sự kỳ trạch nhi tiền chi », nghĩa là tôi đây may gặp đời thịnh, theo việc văn-tràng, kiến-thức hẹp-hòi như vậy, chưa biết có phải hay không, xin quan trường coi việc kén lựa mà cất nhắc cho tôi).
Các câu lề lối ấy là luật phép riêng của quan trường, để cho nhất tề, chớ không quan hệ gì đến học-thức. Ta xưa nay hay hỏi về việc Tầu, đến việc nước nhà thì chỉ hỏi qua loa mấy việc to tát, duy có thi-đình mới hỏi nhiều hơn một chút mà thôi.
Văn-sách cũng là một lối ứng-thí, chớ không mấy khi đem làm văn chơi. Ai muốn làm chơi thì đem những câu tục ngữ ra mà hỏi mà làm cũng được.
Trích lục một đoạn văn cổ
Vấn (hỏi): tục-ngữ có câu rằng:
« Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
« Bõ công trang điểm má hồng răng đen;
« Chẳng tham ruộng cả ao liền,
« Tham về cái bút cái nghiên anh đồ ».