Tặng người lý trưởng
Trên quan dưới dân, sao cho trên thuận dưới hòa, lắm người yêu hơn nhiều người ghét;
Trong làng ngoài họ, quí hồ ngoài êm trong ấm, một câu nhịn là chín câu lành.
Câu ông Siêu ra
Thôi cũng may, công đăng hỏa có gì đâu, nhẹ nhàng nhờ phận lại nhờ duyên, quan trong năm bẩy tháng, quan ngoài tám chín niên, nào cờ nào biển, nào mũ nào đai, nào võng thắm lọng xanh, hèo hoa gươmg bạc; mặt tài tình mà gặp hội kiếm cung, khắp trời nam bể bắc cũng phong lưu, mùi thế nếm qua đã đủ.
Ông Quát đối
Quyết trả phắt, nợ tang bồng không để vướng, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục, hầu gái một vài cô, hầu giai năm bẩy cậu; này cờ này kiệu, này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, trà chuyên thuốc lá; tay khí vũ mà ngoài vòng cương tỏa, lấy gió nội trăng ngàn làm tri thức, tuổi giời thêm đó là hơn.
2.— KINH-NGHĨA.— Kinh-nghĩa trích lấy một vài câu chính văn trong kinh truyện ra đầu bài, rồi cứ suy diễn ý đầu bài; thay thánh-hiền mà nói ra cho rộng, và cho đúng với nghĩa kinh truyện thì mới được, cho nên lại gọi là tình-nghĩa.
Đầu bài ra câu nào phải làm lọn nghĩa trong câu ấy, nếu nói động đến nhiều nghĩa câu trên thì là xâm thượng không được; nói chạm đến nghĩa câu dưới thì là phạm hạ cũng không được. Có khi người ta ra ngắt câu nọ nhằng với câu kia cũng phải cứ làm đủ nghĩa trong đầu bài mà thôi.
Kinh-nghĩa có 3 lối là lối bát cổ, lối lưỡng phiến và lối tản-hành. Lối bát-cổ có tám đoạn: bắt đầu đặt một hai câu mở, gọi là phá đề; kế đến 3, 4 câu nghị luận, gọi là câu thừa-đề. Câu phá câu thừa thì còn là lời mình,