*
* *
2.— PHÚ. — Phú cũng là một lối ngâm vịnh, hoặc lấy một câu trong sách, hoặc lấy cảnh gì, ý gì, điển tích gì làm đầu bài. Hạn độ 5, 6 vần hoặc 7, 8 vần, tùy lúc ra lấy vần gì thì phải làm vần ấy, và cứ phải theo thứ tự trong vần mà làm. Lúc ra đề có phóng vận, hoặc không bắt theo thứ tự thì mới được tùy ý mình, muốn làm vần gì, hoặc muốn để vần gì trước sau cũng được. Có khi làm suốt từ đầu đến cuối một vần cũng được.
Phú, tùy mình mỗi câu đặt mấy chữ cũng được. Đại để lối thường dùng thì mỗi vần, đầu tiên phải có vài bốn câu 4 chữ, gọi là câu tứ tự, hoặc dùng vần liên-châu, hoặc bằng, trắc đối nhau tùy ý; rồi đến vài bốn câu mỗi vế độ 6, 7 chữ hoặc 8,9 chữ đối nhau, gọi là song quan; rồi đến một vài câu mỗi vế hoặc trên 4 dưới 6, hoặc trên 6 dưới 4, hoặc nhiều hơn, những cũng phải đối nhau, gọi là câu cách-cú; hoặc dùng mỗi vế 3 đoạn, thì gọi là câu gối hạc. Lối này gọi là lối Đường phú, vì tự nhà Đường mới đặt ra. Cách làm phú cũng tựa như cách làm thơ, cũng có khai, có thừa có tả thực có nghị luận, có kết. Vần đầu mới mở gọi là vần lung, nghĩa là nói cho bao quát cả đầu bài; vần thứ nhì là vần biện nguyên, nói nguyên ủy cái đầu bài vần thứ ba là thích thực, tả cho hết ý nghĩa đầu bài vần thứ tư thì là vần phu diễn suy rộng ý đầu bài ra; rồi tự vần sau trở đi thì là nghị luận mà kết ý lại.
Phú cũng còn nhiều lối khác, hoặc từ đầu đến cuối dùng toàn 4 chữ, hoặc dùng toàn 7 chữ, như lối thơ tràng thiên, hoặc theo điệu Sở từ, cứ mỗi câu giăm sáu chữ, đệm một chữ hề vào cuối câu hay là giữa câu, hoặc dùng cách lưu-thủy như lối phú Xích-bích cũng được.
Nay lựa lấy một vài thể, mỗi thể trích lấy một vài đoạn, đăng theo sau này: