Đơn cử một vài câu cũng đủ biết được cái hay của văn các cụ. Mà mỗi cụ lại hay riêng một cách: văn cụ Thượng Trứ thì trầm hùng, có khí khái, khí văn mạnh mẽ như con ngựa cất không thể giàng buộc được. Văn cụ Yên-đổ thì có ý ngông, nhưng giọng văn thì rất nhẹ nhàng, hoạt bát, có cái thú tự nhiên, tựa như con cá lượn ở dưới nước, con chim bay nhẩy trên cành hoa. Văn cụ Vân-đình hồn hậu, có khí-tượng ung dung đài các, tựa như ông đại-thần mặc áo đại-triều ngồi chốn cung-đường.
Văn ông Tú-xương cũng tài tình tự nhiên mà ngông lắm. Bài đi thi tự chào có câu rằng:
Tiễn chân cô có ba tiền lẻ,
Rờ bụng thầy không một chữ gì.
Một câu đó đủ tỏ cái tính ngông nghênh của nhà thầy.
Trong nữ giới thì có bà huyện Thanh-quan và cô Hồ-xuân-Hương là trứ danh nhất.
Bà Thanh-quan hoài cổ có câu:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Cô Hồ vịnh cảnh chùa Trấn-võ có câu:
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương nước lộn giời.
Những câu ấy, toàn là câu tuyệt bút trong văn nôm. Tựu trung thơ bà Thanh-quan thì toàn giọng trang nghiêm, còn thơ cô Hồ thì phần nhiều là giọng lả lơi, thô bỉ, tài thì có tài, mà không có thể làm phép cho nhà làm thơ.
Trên này luận qua văn-chương của các nhà dĩ vãng, còn các nhà hiện thời, tưởng nên để dành phần bình luận cho người về sau này.
HẾT