Thơ của ông Phạm-Trấn xong trước, tục truyền lại có mấy câu rằng:
Quai vạc đôi bên cánh phượng phong,
Giở giang bán chác tựa đồ công.
Xanh le mở khép nem hồng mới,
Bạc ác phô phang rượu vịt nồng.
Thơ ấy thì khí khắc hoạch, song vì là phải gò theo hạn ước, làm đúng hạn mà được như thế đã là tài, tưởng chẳng kém gì cái tài bảy bước nên thơ của Tào-tử-Kiến khi xưa.
Ông Lê-quí-Đôn lúc còn nhỏ cũng có một bài tự trách mình:
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà,
Rắn mà chẳng học chẳng ai tha.
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Chém mép chỉ quen tuồng nói dối,
Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra.
Từ rầy Châu Lỗ chăm nghề học,
Chớ để cười ta tiếng thế-gia.
Bài ấy là vì có người mắng ông là tuồng rắn đầu rắn cổ, bắt phải tự trách, nên dùng toàn những tiếng chọi mầu con rắn, mượn những tiếng tự nhiên ghép nên câu, kể cũng đã khéo vậy.
Nguyễn-triều ta từ thời đức Hi-tôn, còn xưng bá ở Nam-trấn, Lộc-khê-Hầu là Đào-duy-Từ cũng có một bài:
Nhà là lá, cột là tre,
Ngày tháng an nhàn được chở che.
Màn vải thưa giăng ngăn muỗi bọ.
Giậu cây kín đáo giữ ong ve,
Cơm ba bữa chuộng rau cùng muối,
Thú bốn mùa ưa rượu với chè.
Muôn việc thỏa tình chăng ước muốn,
Ước tôi hay gián, chúa hay nghe.