Trang:Viet Han van khao.pdf/190

Trang này cần phải được hiệu đính.
— 178 —

Thứ ba là văn « Phan-trần », văn « Nhị-độ-mai » văn « Nhị-thập-tứ-hiếu », văn « Quan-âm », v. v. cũng đều là văn đại gia, nhời nhẽ chín chắn, ý vị thơm tho, đều có thể làm gương luân-lý cho người ta.

Chuyện « Cúc hoa », « Trinh-thử », tuy nhời nhẽ quê mùa, nhưng còn có ý. Còn như « Bướm hoa », « Xuân tình tưởng vọng » v. v. thì toàn là nhời dâm đãng, văn quê kệch, không đáng đem vào mắt người văn-nhân.

Về Nam-kỳ có bài « Hoài-nam-khúc », chuyện « Sãi vãi » chuyện « Lục-vân-tiên », cũng đều là văn-chương của danh-nhân để lại, hiện còn truyền tụng đến giờ.

Thơ nôm nước ta, tuy bắt đầu mới có từ ông Hàn Thuyên đời nhà Trần, nhưng không còn bài nào lưu truyền lại đến giờ. Đến thời nhà Lê, mới thấy truyền lại một vài bài.

Bài của ông Nguyễn-Trãi hỏi nàng Thị-Lộ:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay phỏng bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?

Thị-Lộ họa lại:

Tôi ở Tây-hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn.
Xuân xanh nay mới giăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, có chi con!

Văn ấy là thể vấn đáp, ý nghĩa dẫu chẳng có gì, nhưng nhời văn rất nhẹ nhàng trôi chẩy lắm.

Khi ông Phạm-Trấn, ông Đỗ-Uông, một ông đỗ trạng, một ông đỗ bảng-nhãn, lúc vinh-qui, hai ông ganh nhau đi đường, qua đến chỗ Cầu-cốc, ở đó có một người con gái bán hàng, tên là cô Loan. Bèn ra đầu bài « Cô Loan bán hàng Cầu-cốc », hạn phải ngâm xong bài thơ tám câu, mà mỗi câu phải dùng hai chữ hợp vào tiếng giống cầm điểu, hễ ai làm xong trước thì được đi trước.