Qua sang Nguyễn-triều ta thì văn-chương thịnh nhất là thời Minh-mệnh, Thiệu-trị, Tự-đức. Các ngài đều là chúa hiếu văn, có « Ngự chế thi tập » truyền ở đời. Danh-sĩ hiển hách thì có các cụ Tùng-thiện, Tuy-hóa, Phương-đình, Chu-thần v. v. Văn-chương của các cụ, đến giờ nghe vẫn còn như rót vào tai. Đức Dực-tôn đã có câu thơ khen rằng:
Văn như Siêu, Quát vô Tiền-Tấn,
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh-Đường.
Siêu tức là Phương-đình, Quát tức là Chu-thần, Tùng tức là Tùng-thiện-vương, Tuy tức là Tuy-hóa-vương. Câu thơ đó nghĩa là văn như văn Siêu, Quát thì không còn nhà Tiền-Tấn, thơ đến thơ Tùng, Tuy thì mất cả đời Thịnh-Đường. Đời Tiền-Tấn là đời văn hay, đời Thịnh-Đường là đời thơ hay, vậy mà thơ văn của các cụ ấy làm cho mất cả cái hay của đời trước đi, nghĩa là thơ hay hơn đời trước vậy. Xem câu ấy đủ biết văn-chương của các cụ khi đó lừng lẫy biết là chừng nào.
Đến như văn-chương nôm của nước ta thì bắt đầu từ ông Hàn-Thuyên thời nhà Trần, mới dùng tiếng quốc-âm mà ngâm thơ vịnh phú, rồi dần dần thành ra một lối văn riêng của ta.
Thời nhà Lê, những văn hịch, văn sách, văn tế, cũng đã thường dùng đến lối văn nôm, nhưng chêm đệm tiếng chữ nho khí nhiều quá cho nên dẫu là văn nôm, mà phi người thâm nho thì xem khó vỡ nghĩa.
Văn lục bát hay nhất không có chuyện gì hay bằng chuyện « Kim-Văn-Kiều ». Nguyên văn chuyện Kiều của Tầu cũng đã hay. Tả một người đàn bà rất nhan sắc, rất đức hạnh, rất tài hoa, đáng lẽ vì đó mà được hưởng phúc thanh nhàn, sung sướng ở đời mới phải, mà té ra lại vì cái nhan sắc ấy, đức hạnh ấy, tài hoa ấy mà mình lại lụy mình, đến nỗi gặp toàn những cảnh ngậm đắng nuốt cay, chìm nổi trong bể khổ 15 năm giời, khiến cho người xem chuyện ai cũng phải cảm động tấm lòng chua xót. Cốt chuyện đã hay, mà cụ Nguyễn-Du dịch ra lối ca lục bát lại khéo nữa. Ngòi bút tài tình, có lẽ lại hay hơn nguyên-văn.