« Tao đàn nhị thập bát tú », nghĩa là 28 ngôi sao ở đàn văn-chương để xướng họa thơ từ với nhau, mà ngài thì tự làm đại Nguyên-súy, tức là chủ hội đó. Văn-chương bấy giờ nhiều lắm không kể xiết được, nhưng phần nhiều thì là các bài ca tụng công-đức của ngài và ngâm vịnh những quang cảnh thái bình.
Các nhà văn-sĩ ở trong thời Lê, Mạc cũng nhiều, song trứ danh nhất thì có ông Nguyễn-bỉnh-Khiêm (Trạng Trình), ông Lê-quý-Đôn, ông Nguyễn-Dữ, ông Võ-Quỳnh v. v. Ông Nguyễn-bỉnh-Khiêm có bộ « Bạch-vân thi-tập », ông Lê-quý-Đôn thì có soạn ra bộ « Vân-đài loại ngữ », ông Nguyễn-Dữ thì soạn ra bộ « Truyền-kỳ », ông Võ-Quỳnh thì soạn ra bộ « Trích-quái », các sách ấy còn lưu truyền đến bây giờ.
Thơ của Bạch-vân tiên-sinh bình đạm, phần nhiều là các bài bình phẩm gió giăng hoa cỏ, tả ra cái thú của người nhàn tản, ở ngoài cuộc phong-trần. Song cũng có lắm bài dùng những tiếng ẩn ngữ, nói việc tương lai. Tục truyền tiên-sinh thâm về lối học lý số, phàm việc gì cũng biết trước, cho nên đặt ra những bài sấm ký để cho hậu nhân chiêm nghiệm. Những bài đó hiện còn truyền tụng đến bây giờ. Có câu người ta cho là ứng-nghiệm rồi, có câu cho là huyền mà chưa đoán ra được. Lối học của Á-đông ta các nhà âm dương thuật số, thường vẫn cứ suy tính lấy, nhưng thiết tưởng cũng là một cách suy tính viển vông mập mờ, vị tất đã ứng với sự thực; khi việc đã trải qua, hậu nhân thấy việc gì hơi giống vào câu truyền lại, mới nặn thêm nghĩa mà cho là ứng nghiệm đó thôi.
Quế-đường tiên-sinh (tức là cụ Lê-quý-Đôn) thì là một nhà văn học uẩn súc quảng bác. Tiên-sinh trước tác cũng nhiều nhưng uyên thúy nhất là bộ « Vân-đài loại ngữ ». Trong bộ ấy chia làm 9 mục, mỗi mục lại chia ra từng điều.