Người làm văn-chương, cũng như một tay họa-công. Họa-công có khéo tay thì mới vẽ đúng được hình-tượng; văn-chương có tài-tình mới tả đúng được tinh-thần.
Người có văn-chương, lại như cây có hoa. Cây có bồi dưỡng được nhiều khí lực thì nở ra hoa mới được phổng pháp; người có hàm súc được nhiều kiến-thức tư-tưởng thì tả ra văn-chương mới được dồi dào.
Bởi các lẽ ấy mà tài văn-chương là tài hiếm có mà khoa văn-chương là khoa tối cao vậy.
TIẾT THỨ II
THỂ-CÁCH VĂN-CHƯƠNG
Văn-chương có nhiều thể-cách, mỗi thể-cách có một lối đặt câu riêng; nhưng đại-khái thì nên chia làm hai lối là lối có vần và lối không có vần.
Lối có vần như là thơ, phú, minh, tán, ca ngâm khúc điệu, v.v. Lối không có vần như là kinh-nghĩa, văn-sách, luận, lý, tứ lục tiểu đối v.v.
Tựu trung, văn ta cũng có nhiều lối khác với văn Tầu. Vậy thể nào có sẵn văn nôm thì ký-giả cứ lựa lấy trong các danh văn hay là trích ở trong các truyện mà mỗi thể chép theo một vài bài. Nếu thể nào của ta chưa có sẵn văn nôm thì kén lấy ở trong các thể văn Tầu hoặc dịch theo nguyên điệu, hoặc dịch theo lối lục bát, hoặc chỉ dịch nghĩa đen, bài nào nên để nguyên văn chữ nho cũng để, để hậu nhân biết hết các thể-cách văn-chương của ta và của Tầu.
LỐI CÓ VẦN
1.— THƠ — Sách có chữ rằng: « Thi ngôn chí » nghĩa là thơ để nói chí của mình. Lại có câu rằng: « Thi dĩ ngâm vịnh tính-tình » nghĩa là thơ để ngâm vịnh tính-tình của mình.