Trang:Viet Han van khao.pdf/177

Trang này cần phải được hiệu đính.
— 165 —

Văn-chương Tàu.— Về thời-đại cận kim này tiếp theo sau nhà Tống, học-thuật tư-tưởng, nhất thiết theo về lý-thuyết của Tống-nho; mà văn-chương lại thêm ra một lối kinh-nghĩa. Trong thời Thành-Tổ nhà Minh, Khang-Hi nhà Thanh, thì lý-học lại càng thịnh lắm. Văn-chương thời đó như các sách « Mông-dẫn », « Tồn-nghi », « Thiển-ước », « Thể-chú » của các nhà đại-nho, đều là nghị luận vào nghĩa kinh truyện, để cho càng ngày càng rõ thêm các nghĩa tinh vi của thánh hiền đời xưa. Văn tiểu-thuyết cũng thịnh nhất về thời này. Tựu trung các tiểu-thuyết Tầu thì chỉ có bộ « Đông-chu liệt-quốc », bộ « Tây-hán », bộ « Đông-hán », bộ « Tam-quốc-chí diễn-nghĩa », còn là gần với sự thực; mà trong mấy bộ ấy thì văn « Tam-quốc » bút lực tuy không hùng kiện bằng văn « Đông-chu », nhưng tự-sự trước sau lần lượt liên tiếp rất khéo, mà tả đến tính tình của người nào như vẽ ra người ấy; cái lối phục bút cũng tài tình, chuyện vui vẻ mà nhời nhẽ nhiều chỗ rất lý thú, văn thế biến đổi cũng kỳ, kể ra thì không chuyện tiểu-thuyết nào hay bằng. Văn « Đông-chu » bút lực tuy hùng kiện nhưng văn-chương thực thà, kém bề tài hoa. Còn như « Tây-hán », « Đông-hán » thì văn cũng cổ kính, nhưng cách chép chuyện khí vụng, làm cho người xem chuyện sinh buồn. Ngoại giả mấy pho tiểu-thuyết ấy, lại còn những bộ « Tây-tương », « Tỳ-bà », « Tình-sử », « Liễu-trai chí dị », « Tứ tài-tử », « Hoa-tiên », « Kim-cổ kỳ-quan » v. v. Tây-tương, Tỳ-bà là văn diễn kịch, nhưng văn Tây-tương thì tuyệt hay, mà văn Tỳ-bà thì khí kém. Cổ-nhân đã cho văn Tây-tương là văn hóa-công, nghĩa là cái hay tự nhiên nẩy ra; văn Tỳ-bà là văn họa công, nghĩa là cái hay bởi ở sức người làm ra. Tình-sử, Liễu-trai thì là lối đoản thiên tiểu-thuyết, văn-chương rất giản kinh, song hiềm vì chép lắm chuyện quái đản bất kinh. Kim-cổ kỳ-quan thì lời văn khí rườm rà, nhưng cũng hơi đúng với sự tình. Tứ tài-tử, Hoa-tiên văn-chương cũng hay, song chỉ thú riêng cho người biết làm thơ. Đến như các chuyện « Chinh-đông », « Chinh-tây », « Bình-nam », « Bình-bắc », « Đông-du », « Tây-du », « Phong-thần », « Phản-đường », « Sơn-hậu », « Tam-hợp-bảo-